Trong những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Hội Nông dân (ND) tỉnh đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ ND phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp (NN) đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào phát triển NN, ND, nông thôn (NT) của tỉnh nhà.
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Trong giai đoạn 2018-2023, mặc dù điều kiện bất lợi về thời tiết và dịch COVID-19, nhưng Sở NN&PTNT và Hội ND tỉnh, xác định rõ nội dung và phương pháp tổ chức hoạt động phù hợp, hiệu quả. Công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên và nhân dân về những nội dung cơ bản của các chương trình, đề án trọng tâm thuộc lĩnh vực NN&PTNT được triển khai thực hiện tốt. Qua đó, nâng cao nhận thức của nhân dân và có chuyển biến rõ nét trong tổ chức sản xuất.
Cụ thể trong trồng trọt đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với tổ chức sản xuất theo hướng liên kết cánh đồng lớn. Từ năm 2018 đến nay, đã cơ cấu sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với phát huy hiệu quả hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, nên diện tích sản xuất chủ động tưới đạt 62,38%, tăng 2,38% so với 2020 và đã chuyển đổi 1920,7 ha/2.500 ha đất kém hiệu quả sang cây trồng đặc thù có hiệu quả kinh tế cao đạt 76,83%; chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước trên 1.523 ha; đã triển khai 35 cánh đồng lớn/4.719,8 ha, đạt 100% kế hoạch; đã có 15 vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng với quy mô 215,534 ha; giá trị sản xuất bình quân trên một hecta đất canh tác đạt 143,8 triệu đồng/ha/năm, tăng 43,8 triệu đồng/ha/năm so với 2017; giá trị sản xuất ngành trồng trọt giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 6,3%/năm.
Nông dân Ninh Phước trồng dưa hấu đạt năng suất cao.
Trong chăn nuôi, từng bước chuyển đổi bền vững phương thức chăn nuôi theo hướng tập trung an toàn sinh học, tăng tỷ trọng chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn (105 trang trại ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, gồm 51 trại heo, 12 trại gia cầm, 7 trại cừu, 4 trại dê và 31 trại bò), tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cao. Tăng cường công tác quản lý giống vật nuôi, ứng dụng khoa học – công nghệ trong công tác cải tạo giống vật nuôi (duy trì tỷ lệ lai đàn dê, cừu 90% và tăng tỷ lệ lai đàn bò lên 51%). Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 6,03%/năm, cao và khá ổn định, từng bước trở thành ngành sản xuất chính trong NN.
Đối với phát triển khai thác, nuôi trồng gắn với chế biến thủy sản, đến nay, 100% tàu là thành viên các tổ đoàn kết, với hơn 90% lao động trên tàu cá đã qua đào tạo nghề; bên cạnh đó, đã hướng dẫn ngư dân tổ chức hoạt động sản xuất trên các vùng biển xa theo mô hình tổ đoàn kết trên biển (170 tổ/810 tàu); kết nối bản tin dự báo ngư trường khai thác hải sản đến các tổ đoàn kết trong quá trình khai thác hạn chế rủi ro gặp phải khi đánh bắt xa bờ. Toàn tỉnh có trên 450 cơ sở sản xuất tôm giống (trong đó, 2 doanh nghiệp sản xuất tôm giống bố mẹ có năng lực sản xuất hơn 20.000 cặp/năm; 25 doanh nghiệp tôm giống thuộc nhóm có năng lực sản xuất tối thiểu 0,5 tỷ con post/doanh nghiệp/năm) và 20 cơ sở sản xuất giống cá biển; hằng năm cung cấp hơn 40 tỷ con tôm giống, chiếm hơn 33% sản lượng giống cả nước.
Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Rạng Đông ở xã Nhơn Hải (Ninh Hải) đóng tôm giống cung cấp cho khách hàng. Ảnh: Văn Nỷ
Những kết quả đạt được trong phát triển NN, ND, NT, đã góp phần tích cực vào chương trình xây dựng NTM của tỉnh. Đến nay, các tiêu chí thuộc nhóm hạ tầng kinh tế – xã hội cơ bản đạt chuẩn. Ước lũy kế đến hết năm 2023 toàn tỉnh có 2/7 huyện, thành phố đạt chuẩn huyện NTM; 33/47 xã đạt chuẩn xã NTM, đạt 70,2%, trong đó có 14 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 50/254 thôn đạt chuẩn thôn NTM, trong đó có 2 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp giữa ngành NN&PTNT và Hội ND tỉnh, theo đồng chí Đặng Kim Cương, thời gian tới ngành tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ ND phát triển kinh tế, xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành NN. Tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm NN có lợi thế của từng vùng, địa phương cùng với việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đáp ứng yêu cầu của thị trường, gắn với số hóa vùng trồng; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ; áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại điện tử, phát triển sản phẩm OCOP hướng đến xuất khẩu… phấn đấu tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư NT ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Xuân Bính