Cùng với ngư dân các địa phương trong tỉnh, những ngày này, ngư dân huyện Ninh Hải đang ra khơi đánh bắt hải sản vụ cá Nam với kỳ vọng một vụ mùa tôm, cá đầy khoang.
Đến các cảng cá Ninh Chữ, thị trấn Khánh Hải; Mỹ Tân, xã Thanh Hải; khu vực neo đậu tàu thuyền tại vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải… chúng tôi ghi nhận không khí nhộn nhịp cảnh tàu thuyền vận chuyển các loại cá nhái, cá nục, cá ngừ, cá cơm, mực ống… từ khoang thuyền lên bờ cân bán cho thương lái; đồng thời, tranh thủ vận chuyển lương thực, thực phẩm, tiếp thêm nhiên liệu, đá lạnh để tiếp tục vươn khơi. Ngư dân Trần Định ở thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải phấn khởi cho biết: Vụ cá Nam năm nay thời tiết khá thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản. Tháng vừa rồi tàu cá của gia đình tôi đi biển 3 chuyến khai thác tại khu vực biển Ninh Thuận đến Nha Trang (Khánh Hòa) và xung quanh khu vực đảo Phú Quý (Bình Thuận). Nhờ áp dụng công nghệ trong khai thác nên mỗi chuyến biển tàu khai thác đạt trên 3 tấn cá nục suông, cá ngừ các loại. Sau khi trừ chi phí nhiên liệu, công trả cho bạn thuyền, gia đình còn thu nhập trên 100 triệu đồng nên gia đình rất phấn khởi. Hiện gia đình đang chuẩn bị nhiên liệu cho chuyến biển thứ 4 trong vụ cá Nam này với kỳ vọng khai thác hải sản đạt sản lượng. Thời tiết thuận lợi nên các tàu thuyền công suất nhỏ đánh bắt gần bờ vùng lộng cũng đang hoạt động nhộn nhịp. Ngư dân Nguyễn Văn Sanh ở thôn Mỹ Tân 2, cho biết: Thời điểm này ở những khu vực gần bờ cá nhái, cá giò, cá nhồng… xuất hiện khá dày nên những nghề như: Lưới nổi đánh cá nhái, lưới chì đánh cá giò, cá nhồng… của bà con ngư dân cũng tất bật hoạt động trên biển. Thuyền của gia đình tôi đánh bắt từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau cập cảng trung bình mỗi ngày đánh gần 1 tạ cá nhái, với giá trung bình từ 25.000-30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi hơn 1,5 triệu đồng/ngày nên bà con ngư dân rất phấn khởi.
Hoạt động thu mua hải sản tại cảng cá Mỹ Tân, xã Thanh Hải.
Có nguồn nguyên liệu giúp các lò cá hấp ở địa phương bắt đầu bước vào vụ hấp cá. Bà Trần Thị Hoa, chủ cơ sở cá hấp Lộc Hoa ở thôn Mỹ Tân 1, chia sẻ: Hiện nay đang bước vào đầu vụ cá Nam, có nguồn nguyên liệu nên các cơ sở hấp cá hoạt động trở lại hơn một tuần nay, trung bình mỗi ngày cơ sở của tôi hấp từ 2-3 tấn cá cơm và cá nục. Qua đó giúp giải quyết cho 4-5 lao động ở địa phương với thu nhập từ 250.000-300.000 đồng/ngày. Hy vọng trong thời gian tới thời tiết thuận lợi để các tàu đánh bắt đạt sản lượng để có nguồn nguyên liệu dồi dào cho các cơ sở hấp cá hoạt động ổn định để phát triển kinh tế.
Huyện Ninh Hải có gần 1.000 phương tiện tàu thuyền đang hoạt động, tổng công suất trên 145.000 CV. Để giúp ngư dân khai thác hiệu quả vụ cá Nam, địa phương khuyến khích ngư dân tu sửa, bảo dưỡng tàu thuyền, bổ sung ngư lưới cụ, đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại để vươn khơi đánh bắt hải sản; chỉ đạo cho các xã Thanh Hải, Tri Hải, Khánh Hải, Vĩnh Hải củng cố lại các tổ, đội đoàn kết khai thác trên biển để hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác; tổ chức đánh bắt tại các ngư trường trong và ngoài tỉnh phù hợp cho từng loại ngành nghề. Phối hợp Chi cục Thủy sản tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật đánh bắt xa bờ; tăng cường công tác cập nhật, cung cấp thông tin ngư trường để giúp ngư dân có kế hoạch khai thác hiệu quả; tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức cho ngư dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định (IUU)…
Vụ cá Nam bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch, đối với ngư dân ở các địa phương ven biển ở huyện Ninh Hải nói riêng và toàn tỉnh nói chung, đây là vụ khai thác hải sản chính trong năm. Vì vậy trong mỗi ngư dân ai cũng cầu mong mưa thuận, gió hòa để việc khai thác hải sản thuận lợi, đạt sản lượng cao giúp ngư dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế.
Kha Hân