Năm 2024, ngành nông nghiệp tăng trưởng khá, giá trị sản xuất toàn ngành đạt gần 14.358 tỷ đồng, tăng 4,94% so với năm 2024. Những thành quả trong năm qua tạo niềm tin để năm 2025 ngành tiếp bước vươn lên, thực hiện đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Bước vào năm mới 2025 trên tinh thần khẩn trương, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, tập trung vào nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; huy động, sử dụng tốt nhất mọi nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương để đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Tiếp tục theo dõi đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao (CNC) đã được cấp chứng nhân đầu tư và xúc tiến đầu tư mới. Tổ chức thẩm định hồ sơ công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, doanh nghiệp ứng dụng CCN theo quy định. Năm nay, ngành phấn đấu chuyển đổi bền vững 500ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tiết kiệm nước. Rút kinh nghiệm trong thực hiện công tác chuyển đổi ở các vụ trước, vụ đông – xuân 2024-2025 bên cạnh duy trì các cánh đồng lớn sản xuất tập trung, ngành chú trọng củng cố và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất để tiêu thụ nông sản ở những vùng chuyển đổi cho bà con nông dân.
Nông dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) chăm sóc vườn nho NH01-152. Ảnh: H.Nguyệt
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng; triển khai chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để thu hút doanh nghiệp làm hạt nhân trung tâm liên kết với các tổ chức hợp tác của nông dân trong sản xuất tại các vùng sản xuất tập trung, góp phần thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Khu vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng tập trung ở các lưu vực hồ chứa áp dụng các mô hình, đối tượng mới có lợi thế, còn dư địa, có giá trị gia tăng cao như nho, táo, măng tây xanh… Điều chỉnh, bổ sung và tổ chức triển khai hiệu quả quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp CNC gắn với đề án phát triển sản xuất vùng tưới hệ thống thủy lợi Tân Mỹ để mở rộng vùng trồng tập trung và chính sách thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Điều tra, rà soát diện tích các loại cây ăn quả đặc thù, nhất là cây nho và cây táo để mở rộng diện tích, lập hồ sơ đề nghị cấp mã vùng trồng và các thủ tục có liên quan làm cơ sở cho xuất khẩu; đồng thời, thu hút các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng CNC trong sản xuất nho, táo để xuất khẩu.
Đối với thực hiện nhiệm vụ phát triển thủy sản trở thành lĩnh vực kinh tế chiến lược của ngành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra giải pháp tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch số 4054/KH-UBND ngày 28/9/2023 của UBND tỉnh triển khai Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030; triển khai Đề án phát triển nuôi biển CNC vùng nước sâu. Tập trung tổ chức hiệu quả Đề án phát triển Ninh Thuận thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước và phát triển giống cá biển phục vụ Chương trình phát triển nuôi biển quốc gia; phát triển nuôi thủy sản trên biển gắn với phát triển du lịch, trong đó ưu tiên công nghệ nuôi vùng biển sâu. Quản lý hiệu quả các vùng sản xuất tôm giống Nhơn Hải, An Hải và Sơn Hải. Phát triển khai thác hải sản tại vùng khơi trở thành nghề cá hiện đại, có trách nhiệm gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trang trại hoa lan xã Phước Tiến (Bác Ái) được đầu tư sản xuất theo hướng công nghệ cao. Ảnh: Hồng Lâm
Là địa phương có lợi thế để đẩy mạnh phát triển sản xuất giống thủy sản và nuôi biển, hiện Ninh Thuận có một số doanh nghiệp thành công với mô hình nuôi thủy sản bằng lồng nhựa HDPE. Xu hướng nuôi biển xa bờ được nhiều doanh nghiệp quan tâm, mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi biển trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tổng diện tích nuôi biển đạt 1.395ha, sản lượng nuôi biển đạt 5.000 tấn. Để thực hiện đạt mục tiêu, ngành nông nghiệp thực hiện giải pháp nuôi biển theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất tiên tiến để nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Phát triển nuôi biển gắn với tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm để tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, xác định đúng các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để từ đó tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có trọng điểm, ngành nông nghiệp kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ trong năm 2025.
Anh Tùng
Nguồn: http://baoninhthuan.com.vn/news/151323p25c151/nganh-nong-nghiep-vung-tin-buoc-vao-nam-moi.htm