Năm 2024, đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động mạnh của biến động thị trường, thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa bão; tuy nhiên được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, toàn ngành NN&PTNT tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ tư duy phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp, nông thôn, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. GDP toàn ngành ước khoảng 3,3%, sản lượng, năng suất nhiều sản phẩm chủ lực tăng cao; tổng kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản và thặng dư thương mại tăng cao kỷ lục lần lượt là 62,5 tỷ USD, với các nhóm hàng tiêu biểu như gạo, rau quả, cao su, cà phê, hạt điều, tôm. Đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 78,7% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), có 302 đơn vị cấp huyện và 5 tỉnh đạt chuẩn NTM; sản phẩm OCOP phát triển nhanh về số lượng, với hơn 14.600 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận.
Triển khai kế hoạch năm 2025, ngành NN&PTNT tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp; tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với hợp tác sâu rộng, phát triển đa dạng ngành nghề, thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông-lâm-thủy sản; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 3,4 – 3,5%, kim ngạch xuất đạt từ 64 – 65 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM trên 80%; hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 60%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận tinh thần vượt khó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành linh hoạt, sáng tạo của Bộ NN&PTNT cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương và sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân tạo nên những kết quả nổi bật trong năm 2024, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế cả nước, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia. Phát huy thành tích đạt được, Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục quán triệt phương châm chỉ đạo của Chính phủ, hành động quyết liệt, sáng tạo, bứt phá vươn lên trên các lĩnh vực. Đẩy mạnh cơ cấu tổ chức sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn; tổ chức quy hoạch vùng nguyên liệu gắn ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy huy tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương. Tăng cường đổi mới hoạt động kinh tế tập thể, mở rộng quy mô liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản, tăng cường xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, nút thắt cơ chế chính sách đối với các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp; mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ các địa phương kết nối, tiêu thụ nông sản qua chuỗi phân phối bán lẻ, sàn thương mại điện tử trên cả nước. Thu hút hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi, cảng cá; thực hiện đồng bộ các giải pháp sớm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với khai thác thủy sản. Đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM, triển khai có hiệu quả phòng, chống thiên tai, quản lý tốt nguồn tài nguyên rừng.
Hồng Lâm
Nguồn: https://baoninhthuan.com.vn/news/151065p24c32/nganh-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-tong-ket-cong-tac-nam-2024.htm