Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tập trung điều hành, chỉ đạo xây dựng kế hoạch (KH) hành động cụ thể sát với kịch bản phát triển sản xuất; phối hợp kịp thời, hiệu quả với các địa phương chỉ đạo tổ chức sản xuất linh hoạt theo diễn biến thực tế, nên các lĩnh vực nông, thủy sản đều tăng. Giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt hơn 6.200 tỷ đồng, tăng 4,83% so cùng kỳ năm 2022.
Một số lĩnh vực là điểm sáng về tăng trưởng như trồng trọt, tăng 2,55%. Tính đến đầu tháng 6, toàn tỉnh gieo trồng được 18.991 ha; trong đó, lúa 9.255 ha, màu 9.736 ha, đạt 61,2% KH năm. Tổng diện tích cây lâu năm hơn 12.621 ha, tăng 2%; trong đó, cây ăn quả 6.626 ha. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng đạt được những kết quả nhất định, với tổng diện tích hơn 504 ha; trong đó, chuyển đổi trên đất lúa 355,65 ha, đất khác 148,8 ha, vượt 9,1% KH.
Nông dân Ninh Sơn thu hoạch lúa. Ảnh: V.M
Đáng kể hơn, hoạt động liên kết sản xuất được tăng cường, nên đầu ra sản phẩm nông nghiệp ổn định. Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động 63 mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản, gồm: 33 chuỗi liên kết giá trị lúa, 9 chuỗi liên kết giá trị bắp, 4 chuỗi liên kết giá trị măng tây xanh, 4 chuỗi liên kết giá trị nho, 13 chuỗi liên kết giá trị rau các loại.
Kết quả đạt được về tăng trưởng cho thấy hiệu quả ứng dụng công nghệ cao (CNC) để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Vụ đông – xuân thực hiện được 35 cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 4.719 ha, đạt 100% KH; trong đó, triển khai mới 4 cánh đồng/400 ha và tiếp tục duy trì, mở rộng liên kết 31 cánh đồng với diện tích 4.319,8 ha. Vụ hè – thu thực hiện được 14 cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 1.016 ha.
Tình hình đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng CNC có nhiều chuyển biến tích cực. Đã có 31 dự án nông nghiệp ứng dụng CNC đi vào hoạt động hiệu quả, gồm: 18 dự án trồng trọt, 3 dự án chăn nuôi, 8 dự án thủy sản, 2 dự án chế biến nông sản. Sở NN&PTNN phối hợp với Ban Quản lý Khu nông nghiệp CNC TP. Hồ Chí Minh triển khai các tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp; phối hợp phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; hỗ trợ nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; hỗ trợ, tư vấn, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học.
Lĩnh vực chăn nuôi phát triển theo hướng giảm tổng đàn để tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Tổng đàn gia súc trên toàn tỉnh hiện có 502.237 con, giảm 2,8% so cùng kỳ, đạt 91,9% KH; tổng đàn gia cầm hơn 2,3 triệu con, giảm 6,8% so cùng kỳ. Tổng đàn gia súc, gia cầm giảm, nhưng sản lượng thịt hơi tăng 5% so với cùng kỳ (ước đạt 21.028 tấn) cho thấy ngành Nông nghiệp đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn có giá trị kinh tế cao năm 2022 và đến năm 2025. Đồng thời, tiếp tục duy trì các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi và thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát kiểm dịch, vệ sinh thú y, giết mổ. Do đó, giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi vẫn duy trì tăng 1,75% so với cùng kỳ.
Nông dân Ninh Phước phát triển cây măng tây xanh theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: Tiến Mạnh
Trong khai thác hải sản, đáng kể là Sở NN&PTNT, các địa phương quan tâm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định gắn với công tác chỉ đạo sản xuất hiệu quả và tổ chức lại khai thác vùng bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý của tỉnh. Tình hình ngư trường trong 6 tháng đầu năm cá nổi xuất hiện sản lượng tương đối, số lượng tàu cá tham gia khai thác bình quân chiếm 83% tàu cá toàn tỉnh. Tổng sản lượng khai thác đạt hơn 55.802 tấn; hiệu quả sản xuất đạt khá, giá trị sản xuất lĩnh vực khai thác hải sản tăng 7,58% so với cùng kỳ.
Theo Sở NN&PTNT, nửa năm 2023 cơ cấu tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất tăng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng ở các lĩnh vực trong toàn ngành chưa đồng đều, chỉ tập trung ở lĩnh vực thủy sản, nông nghiệp tăng trưởng chậm và lâm nghiệp luôn giảm do hạn chế nguồn vốn đầu tư phát triển rừng. Giá trị sản xuất lâm nghiệp chỉ đạt hơn 42 tỷ đồng, giảm 3,49% so cùng kỳ. Việc hạn chế nguồn vốn đầu tư phát triển rừng từ 2021 đến nay không những ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng, mà còn tác động trực tiếp đến chỉ tiêu che phủ rừng đến năm 2025.
Để đảm bảo tăng trưởng cả năm đạt 4-5% như KH đề ra, 6 tháng cuối năm ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của ngành; chỉ đạo sản xuất vụ hè – thu đạt hiệu quả cao nhất gắn với công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sản xuất cánh đồng lớn. Tiếp tục thực hiện phát triển chăn nuôi, triển khai quyết liệt công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu, rầy, dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi. Tập trung triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; vận động đầu tư chiều sâu, hướng dẫn sản xuất khai thác vươn khơi và hỗ trợ tàu cá khai thác vùng biển xa. Chỉ đạo và hướng dẫn nuôi thủy sản theo các quy trình sản xuất tốt, quan trắc môi trường, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, phòng ngừa dịch bệnh tại các vùng nuôi. Tiếp tục kiểm tra, giám sát phúc kiểm các công tác trồng rừng, chăm sóc rừng trồng phòng hộ, đặc dụng. Phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu hoàn thiện báo cáo tích hợp số liệu Quy hoạch lâm nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.
Anh Tùng