Thời gian qua, việc phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể (KTTT) được tỉnh chú trọng phát triển cả về số lượng và chất lượng, gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học – công nghệ. Cùng với các thành phần kinh tế khác, KTTT có đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Thực hiện kế hoạch phát triển KTTT, hợp tác xã (HTX) giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã tích cực rà soát, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX với nhiều hình thức đa dạng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM) và bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, chú trọng hỗ trợ phát triển các mô hình KTTT, HTX hoạt động có hiệu quả trở thành kiểu mẫu để nhân rộng; xây dựng, phát triển các mô hình theo chuỗi giá trị, tăng cường liên kết, hợp tác với các thành phần kinh tế khác và thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với HTX.
Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) liên kết với các hộ sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: H.Nguyệt
Với sự nỗ lực không ngừng, mô hình KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh đã từng bước phát triển, trở thành điểm tựa vững chắc cho nông dân. Tính đến đầu năm 2023, toàn tỉnh có 107 HTX, với 18.916 thành viên; trong đó, có 82 HTX nông nghiệp, số còn lại là HTX sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ tổng hợp, vận tải và quỹ tín dụng nhân dân. Hoạt động của các HTX đã hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ vật tư đầu vào, nâng cao kỹ thuật sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản hàng hóa, khắc phục tình trạng sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, phân tán, góp phần tăng giá trị sản phẩm, thu nhập và tạo việc làm cho thành viên và người lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo thống kê, thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên trong HTX đạt khoảng 58 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh đó, các HTX đã tập trung huy động vốn, đầu tư đổi mới trang thiết bị, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, chú trọng đa dạng hóa và cải tiến mẫu mã sản phẩm cung cấp ra thị trường. Các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của địa phương. Đồng thời, cung cấp dịch vụ nông nghiệp và liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, từng bước hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 54 HTX nông nghiệp thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và hướng đến xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ dịch vụ đầu vào đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị sản phẩm. Một số HTX đã ứng dụng công nghệ trong sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Cụ thể, HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An đã ký kết hợp đồng với các hộ sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích gần 30 ha/76 hộ, doanh thu ước đạt 750 triệu đồng/năm. Mô hình liên kết theo chuỗi măng tây xanh, hiện có 4 HTX liên kết, hợp tác với doanh nghiệp chuyên trồng măng tây xanh có giá trị kinh tế cao và áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm với tổng diện tích trên 53 ha. Hay như mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung đã áp dụng trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 5,2 ha, doanh thu năm 2022 đạt hơn 1,12 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 252,5 triệu đồng, góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung (Bác Ái). Ảnh: Kha Hân
Thực hiện chương trình OCOP, các HTX là nhân tố tích cực tại mỗi địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong bộ tiêu chí nông NTM nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 29 sản phẩm của 13 HTX được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, góp phần nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM đạt kết quả tích cực.
Để phát triển, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động KTTT, HTX, thời gian tới tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai nhiều mô hình hợp tác, liên kết phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế – xã hội của các địa phương; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT; khuyến khích các HTX đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Hồng Nguyệt