Xác định kinh tế tư nhân (KTTN) là một thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp to lớn cho sự phát triển chung của tỉnh, ngay sau khi Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết đến các đồng chí Tỉnh ủy viên, lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh.
Đồng thời, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng, hướng dẫn các cơ quan báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về các chủ trương, chính sách của trung ương, các chương trình, kế hoạch hành động của tỉnh về phát triển KTTN nhằm tạo sự đồng thuận xã hội trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 74-KH/TU ngày 3/8/2017, xác định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp phát triển KTTN, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 4 nghìn doanh nghiệp (DN); đến năm 2025 có khoảng 6-7 nghìn DN và đến năm 2030 có khoảng 11-12 nghìn DN. Tốc độ tăng trưởng của KTTN cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GRDP để đến năm 2020 đạt khoảng 68%, năm 2025 khoảng 70% và đến năm 2030 khoảng 72-75%…
Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến nha đam. Ảnh: V.M
Để thực hiện đạt các chỉ tiêu nêu trên, tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho KTTN phát triển; khuyến khích thành lập DN tư nhân, phát triển sản xuất, kinh doanh trong tất cả các ngành, lĩnh vực pháp luật không cấm. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển KTTN; định kỳ tổ chức hội nghị đối thoại DN gắn với triển khai chương trình kết nối ngân hàng với DN; ban hành kế hoạch tổ chức gặp mặt, tiếp xúc DN định kỳ hằng tháng; xây dựng đưa vào hoạt động Chuyên mục hỏi – đáp trực tuyến, tạo kênh thông tin chính thống để các DN, nhà đầu tư phản ánh, kiến nghị các khó khăn, vướng mắc phát sinh, cũng như để lắng nghe các hiến kế trong thu hút phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) từ các DN và nhà đầu tư đối với tỉnh; thành lập các Tổ công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm tổ trưởng nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ DN tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư đổi mới thiết bị sản xuất, ứng dụng khoa học – công nghệ luôn được tỉnh quan tâm thực hiện tốt. Từ năm 2017 đến tháng 8/2023, đã triển khai được 27 đề tài, dự án khoa học – công nghệ, trong đó có 8 dự án cấp quốc gia, 19 cấp tỉnh; hỗ trợ 24 DN, cơ sở đầu tư, ứng dụng thiết bị mới trong ngành may công nghiệp, sản xuất, chế biến nông sản; hỗ trợ cho 150 DN đăng ký bảo hộ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, ứng dụng đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, tham gia Hội chợ Công nghệ và thiết bị (Techmart). Công tác cải cách hành chính trên địa bàn luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo, rà soát, đánh giá và xây dựng kế hoạch gắn với tổ chức kiểm tra việc triển khai nâng cao các chỉ số hành chính cấp tỉnh (PCI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX). Qua đó, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện rõ rệt, năm 2022 chỉ số PCI của tỉnh tăng 2 bậc so với năm 2020 và tăng 19 bậc so với năm 2021, xếp hạng 30/63, nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất.
Thực hiện chủ trương cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay tỉnh đã sắp xếp, đổi mới 23 đơn vị, trong đó có 5 DN nhà nước đang tiến hành đổi mới và cơ cấu lại DN; hoàn thành thoái vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành đối với Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Ninh Thuận, thoái vốn nhà nước đầu tư tại Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận (Nhà nước nắm giữ 52,06%), thoái vốn 100% vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Công trình đô thị. Các DN nhà nước sau khi tái cơ cấu đã hoạt động hiệu quả hơn, trình độ quản lý của DN có chuyển biến tích cực, dần thích nghi với cơ chế thị trường, kinh doanh có lãi, nộp ngân sách tăng, quy mô hoạt động được mở rộng, bảo đảm được việc làm, tăng thu nhập cho người lao động (LĐ).
Công nhân Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú (Ninh Sơn) vào ca sản xuất. Ảnh: Văn Miên
Mặt khác, tỉnh còn tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai kịp thời có hiệu quả các chính sách tài chính, tiền tệ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ. Tính từ đầu chương trình đến nay, đã có 19/19 chính sách thuộc chương trình phục hồi được triển khai thực hiện đến các DN, hộ kinh doanh, cá nhân và người LĐ; hỗ trợ cho 47.889 lượt DN, hộ kinh doanh/1.213 tỷ đồng và 4.773 cá nhân, hộ gia đình/195,7 tỷ đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho DN, người dân để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 10/1/2022; đồng thời, chỉ đạo nghiên cứu ban hành đề án và quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp trên 4 lĩnh vực trọng điểm: Năng lượng sạch, du lịch đẳng cấp cao, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và kinh tế đô thị. Dự kiến đến cuối năm 2023, có 141.291 LĐ làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm, đạt 58%35; trong đó, LĐ có trình độ cao là 28.142 người, đạt 51,1%, từng bước đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế trọng điểm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, để thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH nhanh, bền vững của tỉnh.
Nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, đến nay tỉnh đã thu hút, phát triển nhiều DN đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo (NLTT), nông nghiệp công nghệ cao, du lịch…, nhất là lĩnh vực NLTT góp phần hiện thực hóa chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm NLTT của cả nước. Kết quả, trong giai đoạn từ năm 2017 đến tháng 8/2023, toàn tỉnh có 3.242 DN được thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 61.956,1 tỷ đồng; nâng tổng số DN đang hoạt động đến ngày 31/8/2023 là 4.250 DN/88.251,9 tỷ đồng, tăng 1,8 lần số DN và tăng 4 lần số vốn so năm 2016; quy mô vốn bình quân 20,7 tỷ đồng/DN. Về cơ cấu đầu tư khu vực KTTN, đến nay chiếm trên 80% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; vai trò của KTTN được nâng lên, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương và giải quyết việc làm cho người LĐ; thu ngân sách từ KTTN chiếm gần 70% tổng thu ngân sách tỉnh, giải quyết việc làm cho trên 292.000 LĐ, chiếm 93,1% lực lượng LĐ trên địa bàn tỉnh; tốc độ tăng năng suất LĐ trong KTTN bình quân giai đoạn 2017-2022 đạt 12,84%/năm, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng của KTTN bình quân giai đoạn 2017-2022 đạt 13,42%/năm, tỷ trọng đóng góp của KTTN vào GRDP tỉnh năm 2020 đạt 70% và năm 2022 đạt 72%.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển KTTN, trong thời gian tới, ngoài việc tục quán triệt, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình mới, tạo điều kiện thuận lợi cho KTTN phát triển, tỉnh đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương quan tâm có chủ trương tổng kết Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển KT-XH, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023. Từ đó xem xét, cho phép tỉnh xây dựng chính sách phù hợp với tình hình mới, có tính đột phá nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh và bền vững, rút ngắn nhanh chênh lệch quá trình phát triển so với các tỉnh trong vùng và cả nước.
Linh Giang