Năm 2023, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ phát huy lợi thế, kết hợp các cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đã khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, sản xuất công nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá, giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng năm 2024.
Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng công nghiệp của tỉnh tăng khá, giá trị gia tăng ngành Công nghiệp đạt 5.830 tỷ đồng, tăng 15,08%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,17% so với cùng kỳ năm trước. Khâu đột phá về năng lượng tái tạo tiếp tục phát huy hiệu quả, đóng góp lớn cho tăng trưởng; các dự án năng lượng đang triển khai và hạ tầng truyền tải điện, đã khai thác 485MW dự án năng lượng chuyển tiếp tạo năng lực mới tăng thêm, ngành năng lượng tăng 16,14%, đóng góp 2,59% GRDP. Một số sản phẩm công nghiệp đã phục hồi và tăng trưởng, nhất là nhóm sản phẩm khai khoáng, thủy sản, may mặc, nha đam, khăn bông… đã thu hút một số dự án đầu tư thứ cấp trong các khu, cụm công nghiệp góp phần tạo năng lực mới tăng thêm cho công nghiệp chế biến, chế tạo.
Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú (Ninh Sơn). Ảnh: Văn Miên
Năm 2024, dự báo sản xuất công nghiệp bên cạnh những thuận lợi, tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ngành Công Thương phấn đấu giá trị gia tăng ngành công nghiệp đạt 17-18%.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, năm 2024, ngành Công Thương có 2/6 ngành lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng được tỉnh xác định đó là lĩnh vực năng lượng tái tạo và phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Đồng chí Võ Đình Vinh, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Năm 2024, sở tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả Đề án phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước gắn với Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, đẩy nhanh hòa lưới điện quốc gia 120MW dự án năng lượng chuyển tiếp và triển khai nhanh cơ chế đấu thầu giá điện, lựa chọn nhà đầu tư để sớm khởi công các dự án với tổng công suất 275MW. Tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng cho một số sản phẩm công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn như sản xuất bia, nha đam, chế biến thủy sản, vật liệu xây dựng, đá, xi măng… và đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp mới để tạo năng lực tăng thêm cho năm 2024. Kêu gọi thu hút đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng Phước Hòa, tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối, nhà máy sản xuất Hydrogen; các dự án đầu tư thứ cấp trong các khu, cụm công nghiệp.
Công nhân Công ty TNHH Innoflow NT tại Khu công nghiệp Du Long (Thuận Bắc) vào ca sản xuất. Ảnh: Văn Nỷ
Nhiệm vụ cụ thể được ngành ngành Công Thương đặt ra và quyết tâm phấn đấu triển khai thực hiện trong năm 2024 gồm: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án năng lượng đã có trong Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII được phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đối với điện gió tập trung các dự án đang triển khai như Nhà máy điện gió Công Hải 1 – giai đoạn 1/3MW, Nhà máy điện gió Công Hải 1 giai đoạn 2/25MW, Nhà máy điện gió Việt Nam POWER số 1/30MW, Nhà máy điện dùng năng lượng tái tạo Phước Nam – Enfinity – Ninh Thuận/65MW, Nhà máy điện gió Đầm Nại 3, 4/67MW. Đối với thủy điện, tập trung hoàn tất thủ tục các dự án Nhà máy thủy điện Thượng Sông Ông 2/7MW, Nhà máy thủy điện Phước Hòa/22 MW. Đôn đốc tiến độ khởi công công trình chính của dự án Thủy điện tích năng Bác Ái/1.200MW; hoàn thiện thủ tục đầu tư Nhà máy thủy điện tích năng Phước Hòa/1.200MW. Đối với dự án điện mặt trời, tập trung hoàn thành dự án điện mặt trời Phước Thái 2, 3/120MW; hoàn tất thủ tục kêu gọi Nhà máy điện mặt trời Phước Trung/40MW và Phước Hữu 2/184MW (tự sản, tự tiêu). Phấn đấu, trong quý II/2024 sẽ lựa chọn và phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư dự án LNG Cà Ná. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ ngành trung ương liên quan ưu tiên kế hoạch vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng truyền tải điện 500kV, 220kV, đặc biệt là các dự án lưới điện quan trọng để truyền tải điện vào khu vực miền Nam. Trong đó, hoàn thành đầu tư đường dây 220kV Nha Trang – Tháp Chàm và đẩy nhanh tiến độ đường dây 500kV Ninh Sơn- Chơn Thành và TBA 500kV Ninh Sơn; đường dây 500kV từ TBA 500kV Thuận Nam – TBA 500kV Ninh Sơn.
Về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Hiếu Thiện, Cụm công nghiệp Phước Minh 1 và Phước Minh 2; xúc tiến đầu tư vào Cụm công nghiệp Quảng Sơn. Đẩy mạnh phục hồi các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo; khai thác các dự án thứ cấp trong khu, cụm công nghiệp đã hoàn thành và khởi công 9 dự án mới trong khu, cụm công nghiệp, phát huy hiệu quả tạo ra giá trị mới trong năm 2024. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư bảo đảm thiết thực, hiệu quả có trọng tâm, trọng điểm đón đầu dòng dịch chuyển đầu tư từ các địa phương đến Ninh Thuận, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu, cụm công nghiệp.
Anh Tuấn