Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về công tác lý luận (LL) và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 (Nghị quyết 37), cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác LL theo tinh thần Nghị quyết 37, xem đây là nhiệm vụ của đảng bộ, của từng cán bộ, đảng viên.
Quán triệt phương châm, nhiệm vụ công tác LL và định hướng nghiên cứu chủ yếu đến năm 2030 của Nghị quyết 37, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Kế hoạch số 98-KH/TU ngày 25/4/2015 chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 37 đến tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh. Toàn tỉnh đã tổ chức được 281 lớp cho 26.062 cán bộ, đảng viên và quần chúng cốt cán, trong đó có 15.519 đảng viên, đạt 95,2% tham gia. Trong 10 năm qua các cấp ủy đảng đã tổ chức 8 cuộc kiểm tra riêng và lồng ghép 157 cuộc kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 37 với các nội dung khác; chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát từng bước được nâng cao và đóng góp vai trò quan trọng đối với công tác nghiên cứu LL, tổng kết thực tiễn và công tác xây dựng Đảng.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, quán triệt các Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng và căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (2015-2020) và lần thứ XIV (2020-2025), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cả LL và thực tiễn làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chính sách phát triển của địa phương. Nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy đã ban hành 20 nghị quyết chuyên đề, 75 chỉ thị, 6 đề án; nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy đã ban hành 26 nghị quyết chuyên đề, 10 chương trình hành động, 6 đề án, 48 chỉ thị và 223 kế hoạch, đã tạo cơ sở chính trị quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của tỉnh. Nổi bật như: Đề án ưu tiên đầu tư các ngành kinh tế biển để trở thành động lực phát triển; Đề án cơ chế chính sách đặc thù phục vụ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; Đề án xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; Đề án về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới… Hiện nay, Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo hoàn thành công trình khoa học “Địa chí Ninh Thuận” nhằm cung cấp thông tin, tư liệu về tự nhiên, dân cư, lịch sử kinh tế văn hóa… phục vụ công tác tra cứu tham khảo tư liệu nhằm hoạch định chiến lược xây dựng và đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh việc tổng kết thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo, tập trung nghiên cứu LL cơ bản, đặc biệt là hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư. Trên cơ sở đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các đơn vị liên quan biên soạn chuyên đề toàn khóa, hằng năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ tỉnh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã bám sát đối tượng, cập nhật thông tin mới, nhất là nội dung các nghị quyết, văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng, tình hình thực tiễn kinh tế – xã hội địa phương và vận dụng các nghị quyết mới ban hành của trung ương về công tác tư tưởng, LL trong tình hình mới để khắc phục tính lạc hậu của giáo trình và thiếu thực tiễn của giáo viên trong từng bài giảng. Đội ngũ báo cáo viên, giảng viên đã được cử đi đào tạo, nghiên cứu thực tế phù hợp với yêu cầu giảng dạy LL chính trị. Trường Chính trị tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã quan tâm áp dụng phương pháp dạy học tích cực, gắn LL với thực tiễn trong giảng dạy LL chính trị. Hiện nay, toàn tỉnh có 266 báo cáo viên (cấp tỉnh 35, cấp huyện 231), 20 giảng viên Trường Chính trị tỉnh và 17 cán bộ, giảng viên chuyên trách của 7 trung tâm chính trị cấp huyện.
Cấp ủy các cấp đã quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Quy định số 85-QĐ/TW ngày 7/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên; phát huy hơn nữa tính tiền phong, gương mẫu trong việc thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên môi trường mạng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, trong thời gian tới Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc, các sở, ban, ngành, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội tập trung nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu ở địa phương, đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu LL, từ đó tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về công tác nghiên cứu LL theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Nhanh chóng, kịp thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện về nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW, Nghị quyết 37, các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, kế hoạch của Trung ương, Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu LL. Kết hợp chặt chẽ nghiên cứu LL với tổng kết thực tiễn; nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, định hướng nghiên cứu trong từng thời kỳ; hình thức tổ chức ngắn gọn, nhưng bảo đảm chất lượng; đặc biệt phải rút ra được bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện có hiệu quả. Đổi mới nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh tư tưởng, LL nhằm khẳng định và bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chủ động, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các luận điểm phản động, thù địch, xuyên tạc; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Xuân Bính