Sáng 29/11, Bộ Y tế tổ chức mít tinh trực tuyến cấp quốc gia hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2024. Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm dự, chỉ đạo tại điểm cầu trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Huyền và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Năm 2024, chủ đề được Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) lựa chọn cho Ngày Thế giới phòng, chống AIDS là: “Take the Rights Path”, có thể hiểu là: “Đảm bảo nhân quyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe”. Theo đó, UNAIDS nhấn mạnh: Lấy nhân quyền làm trung tâm, kết hợp với sự tham gia của cộng đồng, thế giới có thể chấm dứt dịch bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030. Hưởng ứng chủ đề trên, Việt Nam chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 là: “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS – Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” nhằm kêu gọi các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và mọi người dân tích cực thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030 với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS. Theo đó, ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống dịch bệnh AIDS vào năm 20301. Đây là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phù hợp với tình hình mới. Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 tập trung tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Viêt Nam với mục tiêu chấm dứt dich bênh AIDS trước năm 2030. “Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS” không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà có nghĩa là khi AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảm ơn các địa phương, các Bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng và rất nhiều cá nhân trong thời gian qua đã nỗ lực, đóng góp nhiều công sức vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Bộ trưởng đánh giá cao và hoan nghênh sự nỗ lực, lòng nhiệt huyết và sự tận tụy, sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế và các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế, các tổ chức cộng đồng trực tiếp tham gia phòng, chống HIV/AIDS trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm nhất là để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống AIDS 1/12
Ảnh: Đức Tuân (Báo Chính phủ)
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ mít tinh, đồng chí Lê Thành Long – Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm cho biết, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm, nhất là để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan, thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.
Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia và Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đề nghị các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS, chỉ đạo các đơn vị liên quan bám sát các mục tiêu Chiến lược quốc gia của Chính phủ để xây dựng kế hoạch hành động cho từng năm, từng giai đoạn và triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS một cách sáng tạo, có hiệu quả.
Các địa phương cần tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Ngành Y tế cần tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại, điều trị HIV. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV. Đồng thời, các tổ chức cộng đồng cần tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, sáng tạo hơn nữa vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhất là trong cung cấp các dịch vụ trực tiếp cho các nhóm đối tượng đích.
Kết thúc dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn ca nhiễm mới hay ca tử vong do AIDS, mà bảo đảm rằng AIDS không còn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng, với các tiêu chí như số ca nhiễm HIV mới dưới 1.000 ca mỗi năm và tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con dưới 2%. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ chấm dứt AIDS, với các diễn biến xu hướng lây mới, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm kêu gọi cộng đồng, xã hội hãy cùng chung tay trong việc phòng ngừa HIV, sử dụng các giải pháp dự phòng an toàn để tránh lây nhiễm…
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Ninh Thuận
Năm 2024, Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11 đến ngày 10/12/2024) và kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12, Bộ Y tế -Cơ quan thường trực phòng, chống AIDS của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm ban hành Kế hoạch và hướng dẫn các Bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11 – 10/12/2024) với các mục tiêu: Tăng cường sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách cùng toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS: dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện HIV, điều trị sớm HIV/AIDS và đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV hướng tới tăng tiếp cận dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Về phía địa phương tỉnh Ninh Thuận, từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1995, từ đó đến nay, Tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp như: Đẩy mạnh công tuyên thông giáo dục sức khỏe bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm giáo dục phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS trong nhân dân; quản lý, chăm sóc, tư vấn người nhiễm HIV/AIDS; Giáo dục can thiệp giảm tác hại trong các nhóm đối tượng hành vi nguy cơ cao tại địa phương; tổ chức tập huấn cho các viên chức thuộc Trung tâm y tế cấp huyện, các Trạm y tế cấp xã; Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến tỉnh, huyện đều bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đảm bảo chuyên môn kỹ thuật tổ chức điều trị cấp cứu cho người nghiện ma túy; hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân vượt quá khả năng của Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh; tư vấn hỗ trợ người sau cai nghiện các thuốc điều trị dự phòng, chống tái nghiện nhằm góp phần phòng chống lây nhiễm HIV. Hỗ trợ trang bị và cung cấp máy móc, trang thiết bị và thuốc điều trị cho bệnh nhân trong công tác Phòng, chống HIV/AIDS và điều trị nghiện chất; Công tác tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện,… theo đó, công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng.
Hoạt động công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh
Công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh
Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Ninh Thuận
Nguồn: https://ninhthuan.gov.vn/portal/Pages/2024-11-30/Mit-tinh-truc-tuyen-huong-ung-Ngay-The-gioi-phong-4cfnkq.aspx