Ngày 15/9, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội làm Trưởng đoàn về việc giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Sông Than, tại xã Hòa Sơn (Ninh Sơn). Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan.
Dự án Hồ chứa nước Sông Than có dung tích hồ 85,04 triệu m3, tổng mức đầu tư trên 1.040,6 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2018 đến 2023. Tính đến ngày 10/9/2023, tổng khối lượng thi công dự án đạt 82,65%. Về kết quả trồng rừng thay thế, đã thực hiện trồng 1.543,03 ha/1.066,13 ha, vượt 476,87 ha so với diện tích phải trồng rừng thay thế của Dự án Hồ chứa nước Sông Than, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh thêm 0,46%…
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Đoàn công tác của Ủy ban KHCN&MT quan tâm kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, sớm thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất Dự án “Chống hạn, xói lở, ngập lụt thích ứng biến đổi khí hậu cho tỉnh Ninh Thuận”, vốn vay AFD để có cơ sở thực hiện các thủ tục liên quan tiếp theo; kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét điều chỉnh kinh phí từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để tỉnh bố trí trồng rừng thay thế giai đoạn 2023-2025, tạo điều kiện hỗ trợ tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49%, góp phần duy trì và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng chung của toàn quốc; kiến nghị Bộ NN&PTNT, Ủy ban Dân tộc xem xét bổ sung “Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo có diện tích nương rẫy được các gia đình sử dụng canh tác ổn định từ lâu đời, không có tranh chấp, nằm trong quy hoạch 3 loại rừng do ban quản lý vườn quốc gia, công ty lâm nghiệp và ban auản lý rừng phòng hộ quản lý” thuộc đối tượng, tiêu chí được hỗ trợ thực hiện các hoạt động về lâm nghiệp sử dụng vốn sự nghiệp cho tiểu dự án 1, dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Nguyễn Thị Lệ Thủy đánh giá cao việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Sông Than, nhất là công tác trồng rừng thay thế; đồng thời, ghi nhận và sẽ báo cáo với Quốc hội những kiến nghị của tỉnh để sớm tháo gỡ khó khăn, đưa dự án vào hoạt động hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước và phục vụ sản xuất, tưới tiêu của nông dân.
Đoàn công tác của Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội giám sát thực địa Dự án hồ chứa nước Sông Than tại xã Hòa Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: X.Nguyên
* Trước đó, ngày 14/9, Đoàn công tác của Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội đã đi kiểm tra thực tế về xây dựng hạng mục công trình Dự án Hồ chứa nước Sông Than, công tác ổn định đời sống của các hộ dân phải di dời trong vùng dự án.
Xuân Nguyên