Ngày 15/8, đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với huyện Ninh Sơn về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (gọi tắt là 2 chương trình) 7 tháng đầu năm 2023; nhiệm vụ trọng tâm thời gian đến. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Theo UBND huyện Ninh Sơn, việc triển khai các dự án thuộc 2 chương trình bước đầu mang lại kết quả, tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, có nơi ở ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng.
Tuy nhiên, về công tác giải ngân đến ngày 31/72023 vốn của 2 chương trình năm 2022 kéo dài, mới chỉ giải ngân đạt 1.832/6.342 triệu đồng, đạt 29%; vốn năm 2023 giải ngân trong 7 tháng là 3.345/13.490 triệu đồng, đạt 25%. Vốn sự nghiệp năm 2022 kéo dài và năm 2023 chưa giải ngân. Việc huy động nguồn lực trong dân và doanh nghiệp còn thấp, việc thu ngân sách còn hạn chế; mức đóng góp đối ứng của nhân dân có giới hạn, chủ yếu dựa vào các nguồn lực từ ngân sách nên đã làm ảnh hưởng tới tính khả thi và tiến độ của các dự án…
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Ninh Sơn khẩn trương rà soát danh mục, dự án về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, quyết định kịp thời đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực của ngân sách nhà nước; tập trung giải ngân các nội dung, hoạt động, dự án đã có đủ căn cứ, cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện theo đúng quy định; quyết tâm phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023, hoàn thành trong tháng 9/2023. Tiếp tục rà soát, kiện toàn hoặc thành lập mới (nếu chưa thành lập) tổ công tác hỗ trợ thực hiện và giải ngân vốn 2 chương trình tại địa phương đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Đề nghị Thường trực Huyện ủy, HĐND huyện quan tâm hơn nữa trong việc lãnh, chỉ đạo thực hiện các chương trình, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các phòng, ban, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Giao hai cơ quan thường trực chương trình (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Ban Dân tộc tỉnh) thường xuyên trao đổi, hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện; tổng hợp báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng ban Thường trực về kết quả xử lý các khó khăn của địa phương định kỳ hằng tháng.
Xuân Nguyên