Tham dự có các đồng chí: Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Phó UBND tỉnh: Nguyễn Long Biên, Lê Huyền, Trịnh Minh Hoàng; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và đại biểu HĐND tỉnh.
Toàn cảnh buổi chất vấn Kỳ họp lần thứ 22 HĐND tỉnh khóa XI. Ảnh: Văn Nỷ
Với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, cởi mở, mở đầu phiên thảo luận tại hội trường, ông Lê Công Bình, Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 12 đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa kết quả huy động vốn đầu tư toàn xã hội và tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2024 cũng như định hướng năm 2025.
Giải trình về vấn đề này, ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trên cơ sở tình hình thực tiễn, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh các kịch bản tăng trưởng làm cơ sở huy động nguồn lực đầu tư phát triển. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, năm 2025, yêu cầu tăng trưởng kinh tế phải đạt từ 13-14%. Để đạt được chỉ tiêu này, nhiệm vụ trọng tâm là tỉnh thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá: Tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế chính sách để phù hợp cho phát triển KT-XH, tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư; tạo đột phá khơi thông các nguồn lực, gồm: nguồn lực đất đai, giải ngân vốn đầu tư công và vốn đầu tư tư nhân, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, động lực, liên vùng; nâng cao trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm trong thực thi công vụ của cán bộ công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; tập trung phát triển 5 ngành lĩnh vực trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng: năng lượng; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản và kinh tế đô thị.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tham gia trả lời chát vấn. Ảnh: Văn Nỷ
Tiếp đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 7 đặt vấn đề: Việc thực hiện xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024 chưa đạt kế hoạch. Theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đến năm 2025, toàn tỉnh có 75% số xã, 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Các cấp, các ngành chức năng có giải pháp gì để thực hiện chỉ tiêu này?
Giải trình về vấn đề này, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: Để đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra, năm 2025, tỉnh phải nỗ lực có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh đã đề ra một số giải pháp để thực hiện mục tiêu đề ra: nâng cao công tác chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; tổng hợp các nguồn lực đầu tư, tổ chức phát triển sản xuất. Với vai trò là cơ quan thường trực, trên cơ sở 19 chỉ tiêu nông thôn mới, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, tổ chức chính trị- xã hội tổ chức triển khai thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới theo chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt quan tâm vào 2 tiêu chí về thu nhập và giảm nghèo.
Ngoài ra, một số đại biểu khác đặt ra các vấn đề về: quy hoạch chung, quy hoạch vùng, phân khu, chi tiết để kịp thời đáp ứng nhu cầu quản lý và kêu gọi đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh; giải ngân Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; giải pháp nâng cao tỷ lệ cho phủ rừng; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân; giải pháp lồng ghép nhiều nguồn vốn, điều chỉnh quy hoạch, sắp xếp dân cư ven biển, ven sông Dinh để cải tạo, khai thác giá trị cảnh quan biển thu hút phát triển Tp.Phan Rang- Tháp Chàm; phòng cháy chữa cháy đối các khu dân cư ven biển; nâng cao hiệu quả kết nối, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh… Các vấn đề được lãnh đạo các cấp, ngành chức năng giải trình cụ thể.
Sau phiên thảo luận tại hội trường, kỳ họp tiến hành phiên chất vấn và nghe trả lời chất vấn của Giám đốc Sở VH,TT&DL và Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Phạm Bảo Ngọc, Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 9 hỏi: Ngành chức năng đề ra giải pháp gì để nâng cao vai trò của di sản văn hóa trong phát triển du lịch ở tỉnh?
Đại biểu Nguyễn Phạm Bảo Ngọc, Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 9 tham gia chất vấn Giám đốc Sở VH,TT&DL.Ảnh: U.Thu
Trả lời câu hỏi của đại biểu, đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: Để khắc phục những khó khăn, hạn chế và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch, Sở VH,TT&DL tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để giới thiệu, quảng bá giá trị của các di sản văn hóa; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch văn hoá đặc sắc, hấp dẫn; tăng cường tổ chức sự kiện văn hóa; đẩy mạnh đào tạo, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giá trị di sản văn hóa và vai trò của di sản văn hoá trong phát triển du lịch. Ngoài ra, tăng cường hợp tác và liên kết với các tổ chức, đơn vị chuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch để phát triển các chương trình quảng bá di sản văn hóa của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VH,TT&DL trả lời chất vấn. Ảnh: U.Thu
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 7 hỏi về các giải pháp để phát huy tối đa lợi thế tiềm năng của khu dự trữ sinh quyển thế giới trong công tác bảo tồn nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch sinh thái gắn với các chương trình hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân sống trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Núi Chúa.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 7 chất vấn thủ trưởng ngành chức năng. Ảnh: U.Thu
Tham gia cùng Giám đốc Sở VH,TT&DL trả lời câu hỏi của đại biểu, ông Trần Văn Tiếp, Giám đốc Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết: Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa tiếp tục tập trung các biện pháp, giải pháp, thực hiện các cơ chế tài chính, cơ chế phối hợp để phát hut tốt 3 chức năng của khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa: bảo tồn, phát triển và hỗ trợ nghiên cứu; giáo dục và văn hóa. Tập trung công tác tuyên truyền, quãng bá và nâng cao nhận thức cho cộng đồng, bạn bè thế giới về khu dự trữ sinh quyển. Đồng thời đề nghị các ngành, địa phương lồng ghép các chương trình phát triển KT-XH; tăng cường hợp tác, trao đổi với mạng lưới sinh quyển thế giới để học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, phát huy tối đa lợi thế tiềm năng to lớn của khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa…
Ông Trần Văn Tiếp, Giám đốc Vườn Quốc gia Núi Chúa tham gia trả lời chát vấn. Ảnh: U.Thu
Chất vấn Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, đại biểu Pinăng Thị Hốn, Tổ đại biểu số 3 đặt vấn đề: Tỷ lệ giải ngân một số dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là vốn sự nghiệ còn thấp, chỉ đạt 36,2%; một số Tiểu Dự án, Dự án chưa giải ngân được hoặc không thể thực hiện được, đề nghị Trưởng Ban Dân tộc tỉnh báo cáo làm rõ và đề xuất các giải pháp, hướng giải quyết trong thời gian đến như thế nào?
Đại biểu Pi Năng Thị Hốn tham gia chất vấn Trưởng ban Dân tộc tỉnh. Ảnh: U.Thu
Trả lời vấn đề này, bà Pinnăng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc cho biết: Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương sớm phân bổ nguồn vốn ngay sau khi được UBND tỉnh giao vốn để chủ động trong việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình. Đồng thời chủ động rà soát đối tượng, nội dung các dự án cần triển khai thực hiện, sắp xếp thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, quyết định kịp thời. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, từ đó đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách còn bất cập. Ngoài ra, trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1719/QĐ-TTg, các Sở, ban, ngành và địa phương chủ động hoàn thiện hồ sơ, đẩy nhanh quá trình thẩm định, phê duyệt dự án rút ngắn thời gian, kịp thời triển khai ngay sau khi Thủ tướng chính phủ có quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1719/QĐ-TTg, góp phần hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn phân bổ đạt kế hoạch đề ra.
Bà Pinnăng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh trả lời chất vấn. Ảnh: U.Thu
Một số đại biểu khác tham gia chất vấn thủ trưởng 2 đơn vị nhiều vấn đề: bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của Hò bả trạo; nghệ thuật Đờn ca tài tử; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”; việc triển khai thực hiện hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Tham gia phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu làm rõ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 và giải trình thêm một số vấn đề được các đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm. Ảnh: U.Thu
Phát biểu kết luận phiên thảo luận về KT-XH, chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu. Đồng chí xác định: HĐND tỉnh cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2025 tại báo cáo của UBND tỉnh; yêu cầu UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH giai đoạn 2020-2025 theo nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, chỉ đạo rà soát bổ sung giải pháp để thực hiện hiệu quả cao nhất các kịch bản phát triển KT-XH năm 2025 với tinh thần quyết liệt và quyết tâm cao nhất, để hoàn thành mục tiêu nghị quyết HĐND tỉnh đã thông qua.
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận phiên thảo luận. Ảnh: Văn Nỷ
Đồng thời, tiếp thu ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nghị quyết của HĐND tỉnh về giám sát và chất vấn, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2025 và giai đoạn 2020-2025 của tỉnh.
Uyên Thu
Nguồn: https://baoninhthuan.com.vn/news/150782p24c32/ky-hop-lan-thu-22-hdnd-tinh-khoa-xi-soi-noi-phien-thao-luan-chat-van-va-tra-loi-chat-van.htm