Powered by Techcity

Khởi công xây dựng cầu Nguyễn Trãi hơn 6.235 tỷ đồng; 8.200 tỷ nâng cấp Cảng hàng không Thọ Xuân

Khởi công xây dựng cầu Nguyễn Trãi hơn 6.235 tỷ đồng; 8.200 tỷ nâng cấp Cảng hàng không Thọ Xuân

Hải Phòng khởi công xây dựng cầu Nguyễn Trãi qua sông Cấm, vốn hơn 6.235 tỷ đồng; Đầu tư 8.200 tỷ nâng cấp Cảng hàng không Thọ Xuân, Thanh Hóa… Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Đà Nẵng thành lập Cụm công nghiệp Hòa Liên với diện tích hơn 58 ha

UBND Thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 2726/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp Hòa Liên, thuộc địa bàn huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Cụm công nghiệp Hòa Liên thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang thành phố Đà Nẵng có diện tích 58,531ha trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu phụ trợ phục vụ Dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng
Cụm công nghiệp Hòa Liên thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang thành phố Đà Nẵng có diện tích hơn 58ha trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu phụ trợ phục vụ Dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Theo đó, Cụm công nghiệp Hòa Liên thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng có diện tích 58,531ha trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu phụ trợ phục vụ dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Dự án có tổng mức vốn đầu tư trên 235 tỉ đồng.

Cụm công nghiệp Hòa Liên được thành lập nhằm tạo điều kiện về quỹ đất có hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất linh kiện – lắp ráp ô tô và các dịch vụ hỗ trợ liên quan như kho bãi, logistics, công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, góp phần giải quyết việc làm, đóng góp vào sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của thành phố Đà Nẵng.

Việc thành lập Cụm công nghiệp Hòa Liên cũng nhằm khai thác, sử dụng Khu phụ trợ phục vụ dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng, đảm bảo phù hợp theo chủ trương của thành phố Đà Nẵng về quy hoạch chuyển đổi Khu công nghiệp phụ trợ Khu công nghệ cao thành cụm công nghiệp.

Theo quyết định số 2726/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ chủ đầu tư dự án Khu phụ trợ phục vụ dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng (chuyển đổi thành Cụm công nghiệp Hòa Liên) cho đến khi hoàn tất công tác thanh quyết toán nghiệm thu và bàn giao công trình cho đơn vị quản lý vận hành, khai thác Cụm công nghiệp Hòa Liên. Thời gian thực hiện chuyển đổi, thành lập và đi vào vận hành dự kiến từ năm 2024 đến 2027. Các tổ chức đầu tư sản xuất kinh doanh trong Cụm công nghiệp Hòa Liên được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành.

Dùng vốn ngân sách thay vốn ODA cho Dự án metro số 2

Cuối tháng 11/2024, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM ra thông báo kết luận thống nhất chủ trương sử dụng vốn ngân sách thành phố để đầu tư Dự án Tuyến tàu điện ngầm số 2 (metro số 2 Bến Thành – Tham Lương), thay vì tiếp tục dùng vốn vay ODA để đầu tư.

Quyết định này được cho là hợp lý bởi cách đây 14 năm, Dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD (hơn 26.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, do triển khai chậm, Dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên thành 2,1 tỷ USD (hơn 47.890 tỷ đồng).

Tuyến metro số 2 sẽ đi ngầm dưới đường Cách Mạng Tháng Tám. Ảnh: Lê Toàn 

Tại Dự án này, nguồn vốn đầu tư phần lớn từ vốn vay ODA với gần 37.500 tỷ đồng, thông qua 3 nhà tài trợ gồm ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Phần còn lại là vốn đối ứng trong nước.

Dù đã phê duyệt cách đây 14 năm, nhưng quá trình xây dựng gặp nhiều vướng mắc, đến nay vẫn chưa khởi công được gói thầu chính. Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), công tác thu xếp tài chính cho Dự án bị chậm trễ do các nhà tài trợ thay đổi điều kiện cho vay và quy trình xem xét cung cấp các khoản vay ODA cũng có sự thay đổi.

Ngày 21/8/2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, chủ trì buổi làm việc với các nhà tài trợ Dự án. Đến ngày 27/8/2024, Văn phòng UBND TP.HCM có Thông báo số 750/TB-VP truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND Thành phố kết luận: “Đại diện KfW, ADB và EIB thống nhất với lãnh đạo UBND Thành phố không tiếp tục tham gia tài trợ đối với khoản vay cho Gói thầu CS2B (gói thầu tư vấn chung cho dự án) và Dự án metro số 2” .

Đến cuối tháng 9/2024, Ban Quản lý đường sắt đô thị đã nhận được ý kiến chính thức bằng văn bản của 3 nhà tài trợ Dự án metro số 2 và thống nhất với Thành phố không tiếp tục tài trợ vốn cho Dự án. Cuối tháng 11/2024, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM ra thông báo kết luận thống nhất chủ trương sử dụng vốn ngân sách thành phố để đầu tư tuyến metro số 2 thay cho vốn vay ODA.

Việc lựa chọn phương án chuyển đổi toàn bộ vốn vay ODA bằng nguồn vốn ngân sách thành phố đã được Sở Tài chính TP.HCM nhận xét là phù hợp. Về nguồn vốn thực hiện Dự án metro số 2, Sở Tài chính kiến nghị UBND Thành phố phương án dự kiến huy động 30.669 tỷ đồng từ vốn trung hạn giai đoạn 2026-2030 và từ trái phiếu chính quyền địa phương để thay thế nguồn vốn ODA vay lại của Chính phủ.

Liên quan đến tiến độ Dự án sau khi chuyển sang dùng vốn ngân sách, theo tính toán của MAUR, trường hợp đấu thầu song song quá trình điều chỉnh dự án, sẽ khởi công được gói thầu chính sớm nhất vào năm 2026. Do vậy, MAUR cho rằng, việc bố trí nguồn vốn ngân sách Thành phố trung hạn 2026-2030 sẽ đáp ứng được nhu cầu.

Việc chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách, theo đánh giá của nhiều sở, ngành của TP.HCM sẽ rút ngắn được quá trình làm thủ tục và thúc đẩy khởi công Dự án sớm hơn. Đặc biệt, theo đánh giá của MAUR, việc chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách sẽ giúp MAUR linh hoạt trong việc áp dụng nhóm cơ chế chính sách của Đề án Phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM (sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt) vào triển khai thực hiện tuyến metro số 2 để thúc đẩy tiến độ, sớm hoàn thành Dự án.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư, thời gian qua, một số tổ hợp nhà thầu quốc tế kết hợp nhà thầu trong nước quan tâm đến kế hoạch đầu tư các tuyến metro tại TP.HCM, trong đó có tuyến số 2.

Thậm chí, một số nhà thầu đề xuất đầu tư tuyến số 2 theo mô hình EPC+F. Đây là mô hình tổng thầu EPC sẽ thực hiện thiết kế – thi công – cung cấp và lắp đặt thiết bị cho Dự án. Đồng thời, nhà tổng thầu tự thu xếp tài chính ban đầu (khoảng 2 năm đầu) cho Dự án.

Phương án thực hiện theo mô hình tổng thầu (EPC) cũng được Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM yêu cầu MAUR bổ sung vào Đề án phát triển đường sắt đô thị theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.

Hiện tại, các phương án đầu tư khả thi nhất đang được MAUR cùng các sở, ngành của TP.HCM nghiên cứu trước khi trình chính quyền Thành phố phê duyệt.

Phân tích ở góc độ tài chính, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế tài chính cho rằng, việc TP.HCM ra quyết định dùng ngân sách để đầu tư tuyến metro số 2 là định hướng chiến lược lâu dài giúp tự chủ nguồn lực để đầu tư hệ thống đường sắt đô thị, thay vì trông chờ vào nguồn vốn vay ODA.

“Khi đầu tư bằng vốn ngân sách, thủ tục đầu tư sẽ đơn giản hơn và rút ngắn được quy trình triển khai so với nguồn vốn vay ODA. Hơn nữa, TP.HCM có quyền lựa chọn công nghệ, thiết bị, nhà thầu, kể cả việc chọn nhà thầu trong nước để thuận lợi cho quá trình vận hành, bảo trì mạng lưới metro sau này”, ông Hiển nêu ý kiến.

Tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) dài hơn 11 km, kéo dài từ trung tâm TP.HCM về cửa ngõ phía Tây Bắc, đi qua 6 quận 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú và 12. Dự án sẽ đi ngầm 9,2 km, còn lại đi trên cao. Toàn tuyến có 10 nhà ga, trong đó 9 ga ngầm, một ga trên cao.

Theo kế hoạch ban đầu, Dự án hoàn thành năm 2016. Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc liên quan đến vốn vay ODA, nên Dự án bị chậm tiến độ. Mới đây nhất, TP.HCM xin lùi tiến độ Dự án đến năm 2030.

Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh nhà máy xi măng Sông Gianh.

Theo đó, tổng mức đầu tư Dự án được điều chỉnh thành 541,154 tỷ đồng, trong đó có 511,154 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách Trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung, điều chỉnh tại Quyết định số 1470/QĐ-TTg ngày 26/11/2024 và 30 tỷ đồng nguồn vốn từ rà soát, sắp xếp lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ GTVT được Quốc hội phân bổ và Thủ tướng Chính phủ giao.

Thi công Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh nhà máy xi măng Sông Gianh. (Ảnh:Anh Tuấn
Thi công Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh nhà máy xi măng Sông Gianh. (Ảnh: Anh Tuấn – Báo Quảng Bình).

Bên cạnh đó, Bộ GTVT quyết định gia hạn Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn hoàn thành năm 2025.

Sở GTVT Quảng Bình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm hoàn thành Dự án đúng tiến độ đề ra; tiếp tục kiểm tra, rà soát toàn bộ trình tự thủ tục, quá trình triển khai Dự án, khối lượng thực tế thực hiện, đảm bảo quản lý chặt chẽ các chi phí của Dự án, bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư nêu trên; chịu trách nhiệm về tính chính xác giá trị các chi phí của Dự án trình phê duyệt, các hồ sơ, tài liệu có liên quan cung cấp cho Bộ GTVT.

So với Quyết định số 1391/QĐ-BGTVT ngày 31/10/2023 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư Dự án đã tăng 30 tỷ đồng chủ yếu do phát sinh liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh nhà máy xi măng Sông Gianh gồm 2 dự án thành phần là Dự án thành phần 1: Đầu tư xây dựng Quốc lộ 12A đoạn tránh thị xã Ba Đồn và Dự án thành phần 2: Đầu tư hoàn thiện Quốc lộ 12A đoạn tránh nhà máy xi măng Sông Gianh. Cả hai dự án thành phần này đều phải hoàn thành trong năm 2024.

Tuy nhiên theo Sở GTVT Quảng Bình, Dự án thành phần 1 khởi công tháng 12/2022, thời gian thực hiện dự án đến hết tháng 12/2024, đến nay chỉ còn chưa đến 1 tháng thực hiện, sản lượng mới đạt 45% nên không hoàn thành Dự án theo kế hoạch, do địa phương chậm bàn giao mặt bằng; địa phương dự kiến bàn giao mặt bằng phần còn lại vào tháng 6/2025.

Trên cơ sở khối lượng còn lại của Dự án, kế hoạch bàn giao mặt bằng của địa phương, Chủ đầu tư báo cáo Bộ GTVT điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đến hết năm 2025 (hoàn thành xây dựng tháng 9/2025, hoàn chỉnh các thủ tục nghiệm thu, bàn giao vào tháng 12/2025).

Thừa Thiên Huế quy hoạch thêm một Khu du lịch 445 ha tại huyện Phong Điền

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Quyết định số 3137/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Ngũ Hồ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Vị trí, phạm vi lập quy hoạch Khu du lịch sinh thái Ngũ Hổ
Vị trí, phạm vi lập quy hoạch Khu du lịch sinh thái Ngũ Hồ

Đây là khu du lịch sinh thái, trải nghiệm; sân golf; du lịch nghỉ dưỡng bao gồm các chức năng như khu nhà hàng, dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng kết hợp với dịch vụ trị liệu khai thác các loại cây thuốc nam và mỏ than bùn đặc trưng tại địa phương.

Ranh giới cụ thể có phía Bắc giáp khu dân cư xã Phong Chương và Tỉnh lộ 4; Phía Đông giáp Tỉnh lộ 6; Phía Tây Nam giáp dải cát trắng tự nhiên dọc hồ Trằm Nải (Bàu Bàng); Phía Tây Bắc giáp ruộng lúa thôn Triều Quý, xã Phong Bình và sông Bình Chương.

Khu vực lập quy hoạch được chia thành 03 phân khu chính, Phân khu A – Khu sân gôn, được bố trí tiếp giáp với dải cây xanh dọc tuyến Tỉnh lộ 6 và đường nội bộ của khu vực. Khu sân gôn 27 hố bao gồm khu club house và 3 sân gôn, mỗi sân 9 hố trải dài theo các hồ nước tự nhiên.

Phân khu B – Khu du lịch nghỉ dưỡng, có các chức năng: Khu khách sạn nghỉ dưỡng được xây dựng các công trình cao tầng (tầng cao tối đa 10 tầng) kết hợp với khu bể bơi, vui chơi giải trí, … ; Khu vực xây dựng thấp tầng bao gồm các khu biệt thự nghỉ dưỡng kết hợp với khu điều hành, công viên, dịch vụ cao cấp;…

Phân khu C – Khu dịch vụ du lịch trải nghiệm được bố trí tại khu vực phía Tây Nam của khu đất, tiếp giáp với khu vực hồ Trằm Nãi (Bàu Bàng) và các khu vực rừng phòng hộ, mặt nước, kênh mương.

Đề xuất bổ sung 1.600 tỷ đồng để đầu tư 4 nút giao thông lớn tại TP.HCM

Sở Giao thông Vận tải (GTVT), TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu UBND Thành phố bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, để ưu tiên đầu tư 4 nút giao thông lớn.

Các Dự án đề xuất ưu tiên đầu tư gồm: nút giao ngã bảy Điện Biên Phủ – Lê Hồng Phong – Lý Thái Tổ – Ngô Gia Tự (nối quận 3 và quận 10); nút giao ngã sáu Nguyễn Tri Phương – Ngô Gia Tự- Nguyễn Chí Thanh ( nối quận 5 và quận 10); nút giao Nguyễn Oanh – Phan Văn Trị (quận Gò Vấp); nút giao Quốc lộ 1- đường số 7- đường số 18 (quận Bình Tân).

TP.HCM đang lên kế hoạch đầu tư nhiều nút giao thông lớn. Trong ảnh thi công nút giao thông An Phú để hoàn thành vào năm 2025 – Ảnh: Lê Toàn

Tổng mức đầu tư dự kiến cho 4 nút giao khoảng 1.600 tỷ đồng (mỗi dự án là 400 tỷ đồng).

Để sớm thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư 4 nút giao trong năm 2025, Sở GTVT đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu UBND Thành phố bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đưa vào kế hoạch đầu tư công năm 2025 và ban hành Quyết định giao nhiệm vụ lập đề xuất chủ trương đầu tư để có cơ sở thực hiện.

Theo Sở GTVT TP.HCM, những nút giao đề xuất ưu tiên đầu tư đều là nút giao thông quan trọng và thường xuyên xảy ra ùn tắc nên cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Lùi thời hạn thực hiện Dự án metro Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo đến năm 2031

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1578/QĐ – TTg điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo.

Có ba thay đổi chính liên quan đến Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo được đề cập trong Quyết định số 1578 so với chủ trương đầu tư được phê duyệt lần đầu vào tháng 1/2008.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một là, tổng chiều dài tuyến của Dự án vẫn được giữ nguyên, nhưng có thay đổi về chiều dài đoạn đi trên cao (tăng từ 8,5 km lên 8,9 km) và đoạn đi ngầm (giảm từ 3 km xuống 2,6 km); số lượng đoàn tàu được giảm từ 14 đoàn tàu xuống còn 10 đoàn tàu.

Hai là, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án được đề xuất điều chỉnh lên 35.588 tỷ đồng (tương đương 200.744 triệu yên), tăng thêm 16.033 tỷ đồng so với thời điểm năm 2008. Trong đó, vốn ODA vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) theo điều kiện vay đặc biệt dành cho đối tác kinh tế (STEP) là 167.079 triệu Yên, tương đương 29.672 tỷ đồng, tương đương 1.254,78 triệu USD (tăng thêm 13.187 tỷ đồng); vốn đối ứng ngân sách thành phố Hà Nội: 5.916 tỷ đồng, tương đương 33.665 triệu Yên, tương đương 250,19 triệu USD (tăng thêm 2.846 tỷ đồng).

Bà là, Dự án có thời gian thực hiện mới là từ năm 2009 đến năm 2031, thay vì hoàn thành vào năm 2015 như kế hoạch ban đầu. Trong đó, hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành 2029 và 2 năm đào tạo vận hành bảo dưỡng.

Theo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội, sau khi được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, Dự án sẽ triển khai huy động lại tư vấn chung thực hiện điều chỉnh dự án để UBND Thành phố phê duyệt và triển khai thi công Dự án từ năm 2025.

Tuyến số 2 tạo thành trục xương sống quan trọng, kết nối khu vực nội đô, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và đô thị phía Bắc của Hà Nội. Tuyến bao gồm: Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo (Tuyến 2.1), tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình (Tuyến 2.2), Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nội Bài – Nam Thăng Long (Tuyến 2.3).

Không chỉ mang lại lợi ích về giao thông và môi trường, tuyến đường sắt đô thị này còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch và kiến trúc đô thị Thủ đô.

Việc quy hoạch tuyến số 2 kết hợp giữa hướng tâm và vành đai không chỉ tăng khả năng kết nối mà còn giúp phân tán hành khách ra khỏi khu trung tâm, rút ngắn thời gian di chuyển và tối ưu hóa hiệu quả khai thác toàn hệ thống.

Đây là bước đi quan trọng để xây dựng một mạng lưới giao thông hiện đại, đồng bộ và bền vững cho Thủ đô, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Đến 2030, Đà Nẵng là 1 trong 3 trung tâm lớn về thiết kế vi mạch, bán dẫn

Ban kinh tế – Ngân sách HĐND Thành phố Đà Nẵng mới đây cáo kết quả giám sát về “Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố” mà UBND Thành phố Đà Nẵng xây dựng.

Trong 11 tháng năm 2024, việc thu hút đầu tư lĩnh vực vi mạch bán dẫn của Đà Nẵng đạt nhiều kết quả khả quan. Trong đó, có 4 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn đăng ký thành lập doanh nghiệp mới tại Đà Nẵng.
Trong 11 tháng năm 2024, Đà Nẵng có 4 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn đăng ký thành lập doanh nghiệp mới.

Theo dự thảo Đề án, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành 1 trong 3 trung tâm lớn của Việt Nam về thiết kế vi mạch, bán dẫn và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo; hình thành mạng lưới đào tạo chất lượng cao về nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo gắn với phát triển hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo đồng bộ tại thành phố.

Đặc biệt, ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo cùng với các lĩnh vực công nghệ số góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số Đà Nẵng góp phần tối thiểu 35% – 40% GRDP thành phố.

Theo Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND thành phố, dự thảo Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 tăng lên ít nhất 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch, bán dẫn, dịch vụ thiết kế; phấn đấu thu hút ít nhất 1-2 doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử; phấn đấu có ít nhất 5 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn được ươm tạo thành công và tăng tốc phát triển.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND Thành phố, Đà Nẵng hiện nay đã có 13 doanh nghiệp thiết kế vi mạch, bán dẫn.

Vì vậy, Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND Thành phố đề nghị UBND thành phố cần đánh giá thêm về chỉ tiêu đặt ra đến năm 2030 này trên cơ sở rà soát, đánh giá dựa trên bối cảnh chung toàn cầu, quốc gia và tình hình thực tiễn thành phố để đặt ra mục tiêu về số lượng, chất lượng doanh nghiệp phù hợp với thực tiễn thành phố; đồng thời xác định mục tiêu, định hướng phát triển doanh nghiệp, giá trị đóng góp trong tăng trưởng kinh tế thành phố của lĩnh vực này trong thời gian đến.

Trong 11 tháng năm 2024, Đà Nẵng có 4 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn đăng ký thành lập doanh nghiệp mới tại Đà Nẵng. Cụ thể là Công ty Mixel Việt Nam (Hoa Kỳ); Chi nhánh Công ty TNHH Công Nghệ Marvell Việt Nam tại Đà Nẵng (Hoa Kỳ); Công ty TNHH Sibridges Việt Nam (Hoa Kỳ) và Công ty Ideas2Silion Việt Nam (Hàn Quốc). Ngoài ra, Đà Nẵng thu hút 1 doanh nghiệp phát triển hệ thống, ứng dụng trí tuệ nhân tạo là Công ty Cổ phần Trí tuệ nhân tạo Việt Nam AIAIVN.

Hải Phòng khởi công xây dựng cầu Nguyễn Trãi qua sông Cấm, vốn hơn 6.235 tỷ đồng

Chiều 18/12, UBND TP. Hải Phòng đã tổ chức khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, chỉnh trang và mở không gian phát triển mới.

Phối cảnh Dự án
Phối cảnh Dự án

Thông tin về Dự án, ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng – chủ đầu tư dự án cho biết, cầu Nguyễn Trãi bắc qua sông Cấm có kết cấu vĩnh cửu với chiều dài 1.476,4 m; phần cầu chính với chiều dài 550,6 m – là cầu dây văng, chiều dài cầu dẫn phía huyện Thủy Nguyên 459 m, chiều dài cầu dẫn phía quận Ngô Quyền 466,8 m; bề rộng cầu chính 26,5 m, cầu dẫn 23,5 m, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp. Vận tốc thiết kế cầu chính 80 km/h.

Cùng với đó, xây dựng nút giao kết nối cầu chính với đường Lê Thánh Tông với các nhánh Ramp kết nối dạng vòng tròn, gồm 2 nhánh vòng tròn, các nhánh Ramp được tổ chức giao thông một chiều. Bề rộng mỗi nhánh 10 m, trong đó, cầu nhánh Ramp phải dài 675,7 m; cầu nhánh Ramp trái dài 447,8 m.

Ngoài xây cầu, Thành phố còn mở rộng phố Nguyễn Trãi đoạn tuyến hiện tại có bề rộng 18 m lên thành 43,5 – 50,5 m, kết nối với đoạn tuyến hiện tại khu vực nút giao đường Lê Hồng Phong. Xây dựng đường ven sông Cấm kết nối đường Ngô Quyền với đường ven sông khu vực chân cầu Hoàng Văn Thụ có chiều dài 2,27 km, với bề rộng đường 28 – 40 m và tuyến đường kết nối đường ven sông Cấm thuộc dự án với đường Hoàng Diệu có bề rộng 20 – 21 m. Đồng thời, di dời, giải phóng mặt bằng khu vực Cảng Hoàng Diệu t phạm vi đường Hoàng Diệu, Lê Thánh Tông đến bờ sông Cấm và khu ga đường sắt tiền cảng.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 6.235,5 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách trung ương và thành phố, dự kiến hoàn thành công trình trong năm 2027.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết: Hiện là thời điểm thuận lợi nhất để triển khai dự án vì từ ngày 1/1/2025, huyện Thủy Nguyên chính thức trở thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng theo Nghị quyết 1232 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023– 2025.

Để sẵn sàng di chuyển trung tâm hành chính thành phố sang phía Bắc sông Cấm, nhiều công trình, dự án được thành phố đầu tư như cầu Hoàng Văn Thụ, với tổng mức đầu tư 2.173 tỷ đồng được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2019. Đặc biệt, dự án Trung tâm Chính trị – Hành chính và Trung tâm Hội nghị – Biểu diễn là hai công trình lớn của thành phố, với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng đang được gấp rút thi công để khánh thành đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2025). Đây là điểm nhấn kiến trúc, biểu tượng thành phố Cảng trong thời kỳ phát triển mới.

“Dự án mang sứ mệnh to lớn, được xem là gạch nối quan trọng kết nối khu đô thị hiện hữu với khu đô thị mới phía Bắc sông Cấm. Cầu Nguyễn Trãi khi đưa vào sử dụng sẽ tạo ra trục kết nối liên thông đồng bộ giữa các khu công nghiệp quan trọng trên địa bàn thành phố như Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng, Phà Rừng, Minh Đức, Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Quan trọng hơn, Dự án sẽ rút ngắn cự ly di chuyển, vận chuyển hàng hóa từ Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi cũng như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, quốc lộ 10, quốc lộ 18, mở ra dư địa, không gian phát triển mới, gia tăng khả năng kết nối liên vùng để cùng bứt phá phát triển, góp phần hiện thực khát vọng vươn lên của thành phố Cảng”, ông Tùng khẳng định.

Cầu Nguyễn Trãi là cây cầu thứ 6 của TP. Hải Phòng bắc qua sông Cấm, sau cầu Kiền, cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Máy Chai và cầu Bạch Đằng.

Đầu tư 8.200 tỷ nâng cấp Cảng hàng không Thọ Xuân, Thanh Hóa

Ban Thường vụ tỉnh ủy Thanh Hóa vừa cho ý kiến về Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không (CHK) Thọ Xuân.

Thường trực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thống nhất chủ trương đầu tư nâng cấp hạ tầng CHK Thọ Xuân bằng hình thức xã hội hóa kết hợp với nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và đất nước trong giai đoạn tới.

Cảng hàng không Thọ Xuân (Hình minh họa)
Cảng hàng không Thọ Xuân (Hình minh họa)

Quy mô và nhu cầu vốn đầu tư khoảng 8.200 tỷ đồng, nhằm thực hiện các hạng mục gồm: Cải tạo nâng cấp, mở rộng nhà ga T1 đạt công suất 1,5 triệu lượt hành khách/năm kết nối đồng bộ với nhà ga T2 xây dựng mới. Sân đỗ tàu bay mở rộng lên 16 vị trí tàu bay, đáp ứng công suất 5 triệu lượt hành khách/năm… Đầu tư xây dựng mới hệ thống quản lý, điều hành bay (hệ thống ILS, CAT) cho đường cất hạ cánh số 2; đầu tư xây dựng mới nhà ga T2 (ga quốc tế) công suất đáp ứng 3,5 triệu lượt hành khách/năm, nâng tổng công suất lên 5 triệu lượt hành khách/năm.

Tuy nhiên, để triển khai Đề án đảm bảo khả thi, cần phải giải quyết tốt các vấn đề về xử lý tài sản trên đất hiện có tại CHK Thọ Xuân; có cơ chế phối hợp đảm bảo hoạt động bay khi tàu bay từ đường cất hạ cánh số 2 lăn qua đường cất hạ cánh số 1; đồng thời phải tháo gỡ được các vướng mắc về pháp lý đối với việc bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Để gia tăng tính hiệu quả của nguồn vốn và giải quyết một số vấn đề mang tính kỹ thuật, đề nghị cần sửa đổi Đề án theo hướng điều chỉnh nguồn vốn thực hiện PPP và phân chia Dự án thành dự án thành phần tương ứng với nguồn vốn đầu tư.

Theo tờ trình Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác CHK Thọ Xuân của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, sau hơn 10 năm đưa vào khai thác, CHK Thọ Xuân đã trở thành một trong những động lực tăng trưởng của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, những năm gần đây lượng khách qua cảng đã vượt công suất thiết kế (trong đó lượng hành khách năm 2022 cao nhất đạt 1,5 triệu hành khách/năm, vượt 25% công suất), trong khi nhà ga T2 chưa được triển khai đầu tư. Đường lăn, đường cất hạ cánh đã khai thác trên 40 năm (vượt xa tuổi thọ thiết kế công trình trung bình khoảng 20 năm), chất lượng mặt đường băng và khả năng chịu lực đã xuống cấp; các hư hỏng xuất hiện nhiều. 

CHK Thọ Xuân được xác định trong quy hoạch là Cảng hàng không quốc tế, có chức năng dự bị cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân sự và quân sự. CHK Thọ Xuân được quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đạt cấp 4E và sân bay quân sự cấp I, với 2 đường cất hạ cánh đáp ứng công suất khai thác 5 triệu hành khách/năm….

Với công suất quy hoạch giai đoạn 2021-2030 khoảng 5 triệu hành khách/năm, việc đầu tư nhằm bảo đảm công suất khai thác theo quy hoạch xây dựng đường cất hạ cánh số 2, nhà ga T2.

Đề xuất khai thác 68,35 km cao tốc Vân Phong – Nha Trang trước 10/1/2025, vượt tiến độ 12 tháng

Liên danh một số nhà thầu thi công Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Vân Phong – Nha Trang gồm: Tập đoàn Sơn Hải – Vinaconex – LIZEN vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất được đưa vào khai thác sử dụng 68,35 km đoạn nối từ Dự án thành phần Nha Trang – Cam Lâm đến nút giao Vạn Giẽ thuộc Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Vân Phong – Nha Trang.

Một đoạn cao tốc Vân Phong - Nha Trang.
Một đoạn cao tốc Vân Phong – Nha Trang.

Đây là phân đoạn thuộc Gói thầu XL01 – thi công xây dựng đoạn Km285 – Km337 +500 do liên danh LIZEN – Công ty Phương Thành – Công ty Hải Đăng – Công ty VNCN E&C và Gói thầu XL01 – thi công xây dựng đoạn Km337+500 – Km368+350 do liên danh Tập đoàn Sơn Hải – Vinaconex thi công.

Theo tiến độ ban đầu, phần công việc của liên danh Tập đoàn Sơn Hải – Vinaconex – Lizen sẽ phải hoàn thành, đưa vào khai thác vào cuối năm 2025.

“Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đang thi công vượt tiến độ và chắn sẵn sẽ hoàn thành toàn bộ hạng mục công trình bao gồm chính tuyến, hệ thống đường gom, đường nhánh từ nút giao Vạn Gia (Km300) kết nối với cao tốc Nha Trang – Cam Lâm trước ngày 10/1/2025”, đại diện 3 nhà thầu Tập đoàn Sơn Hải – Vinaconex – Lizen khẳng định.

Để sớm đưa công trình vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư và nhất là phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, liên danh Tập đoàn Sơn Hải – Vinaconex – Lizen đề nghị Bộ GTVT, Ban quản lý dự án 7 có kết hoạch và chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thành các thủ tục cần thiết để đưa đoạn tuyến vào khai thác trước ngày 10/1/2025.

Đối với đoạn tuyến còn lại thuộc Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Vân Phong – Nha Trang, đại diện Công ty Phương Thành cho biết là chắc chắn cũng sẽ vượt sâu tiến độ đã ký kết với Bộ GTVT.

Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Vân Phong – Nha Trang có điểm đầu tại Km285, kết nối đường dẫn cửa phía Nam hầm Cổ Mã thuộc địa phận huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại Km368+500 kết nối điểm đầu Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, đoạn Nha Trang – Cam Lâm thuộc địa phận huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Tổng chiều dài tuyến đường là 83,35 km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư là 11.808,02 tỷ đồng; được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước; được khởi công ngày 1/1/2023; dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Bình Định thúc tiến độ phê duyệt chủ trương đầu tư, đưa ra đấu thầu 29 khu đất

Ngày 7/11/2024, HĐND tỉnh Bình Định phê duyệt 29 khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Bao gồm, 13 khu đất sẽ đầu tư xây khu đô thị, du lịch biển, kết hợp nghỉ dưỡng; 6 khu đất xây dựng nhà ở xã hội; 4 khu đất xây nghĩa trang; 2 khu đất đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt; 2 khu đất đầu tư xây dựng chợ; 1 khu đất xây dựng bệnh viện và nhà máy điện gió.

Khu đô thị - du lịch - văn hoá - thể thao hồ Phú Hòa
Khu đất thực hiện Dự án Khu đô thị – du lịch – văn hoá – thể thao hồ Phú Hòa là 1 trong 29 khu đất được đưa ra đấu thầu trong 2 năm tới.

Trên cơ sở này, ngày 14/11/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng, Sở y tế, Ban Quản lý Khu kinh tế, UBND thị xã Hoài Nhơn, UBND thị xã An Nhơn, UBND huyện Phù Cát, UBND huyện Phù Mỹ, UBND huyện Vân Canh lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án với hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 29 khu đất nêu trên.

Tuy nhiên, đến ngày 6/12/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định báo cáo rằng chỉ có 3 đơn vị thực hiện.

Cụ thể, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị UBND TP. Quy Nhơn cung cấp các thông tin liên quan đến kế hoạch sử dụng đất, danh mục dự án thu hồi đất và phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng của Dự án Bệnh viện Quốc tế Long Vân (nằm tại lô đất YT-01, Khu đô thị mới Long Vân, phường Trần Quang Diệu) để lập hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Cùng với đó, UBND tỉnh Bình Định cũng đã giao UBND TP. Quy Nhơn khẩn trương lập và phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng; đồng thời phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát diện tích đất, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, danh mục thu hồi đất,…hoàn tất hồ sơ, thủ tục trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định

Song Sở Kế hoạch và Đầu tư đề cập, đến ngày 6/12/2024, UBND TP. Quy Nhơn chưa thực hiện; do đó Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo địa phương sớm hoàn tất các thủ tục nêu trên và cung cấp thông tin cho Sở Y tế để có cơ sở lập thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Một dự án khác phải lấy lại ý kiến là Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực phía Bắc tỉnh Bình Định tại khu phố Thiết Đính Nam, phường Bồng Sơn.

Dự án này đã được UBND thị xã Hoài Nhơn đề xuất dự án, tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị UBND thị xã Hoài Nhơn phối hợp với các sở liên quan thống nhất về công nghệ xử lý rác thải, đơn giá xử lý… và các nội dung liên quan khác (do chưa thống nhất).

Ngoài ra, UBND huyện Phù Cát đã đề xuất Dự án Khu đô thị Cát Hải (tên cũ Khu nhà ở và thương mại dịch vụ Cát Hải) tại thôn Tân Thắng, xã Cát Hải; hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định dự án và báo cáo UBND tỉnh quyết định.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu 4 sở, ngành, 5 địa phương nêu trên tập trung xử lý giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đối với các khu đất đã được HĐND tỉnh thông qua.

Quảng Nam ra “tối hậu thư” đối với Dự án Nhà máy điện sinh khối Quế Sơn

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có ý kiến về tình hình triển khi Dự án Nhà máy điện sinh khối Quế Sơn tại Cụm công nghiệp Đông Phú 1, thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn của Công ty TNHH VietPeco.

Cụm công nghiệp Đông Phú 1.
Dự án Nhà máy điện sinh khối Quế Sơn do Công ty TNHH VietPeco đầu tư tại Cụm công nghiệp Đông Phú 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, để giải quyết hài hòa quyền lợi của nhà đầu tư và đảm bảo các vấn đề về môi trường, không ảnh hưởng dân sinh, an ninh trật tự tại địa phương, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Quế Sơn, Công ty TNHH VietPeco trong vòng 6 tháng phải cầu thị, tiếp tục phối hợp làm việc để xác định, thống nhất một trong các phương án.

Cụ thể, trường hợp tiếp tục thực hiện Dự án Nhà máy điện sinh khối tại Cụm công nghiệp Đông Phú 1, UBND huyện Quế Sơn và Công ty TNHH VietPeco phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường làm rõ, giải quyết từng vướng mắc trong hồ sơ môi trường; UBND huyện Quế Sơn tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đảm bảo thực hiện dự án, đồng thời chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan, UBND thị trấn Đông Phú, UBND xã Quế Long tích cực phối hợp với nhà đầu tư tổ chức lấy ý kiến tham vấn cộng đồng dân cư trong vùng đối với dự án để tạo sự đồng thuận.

Trường hợp vẫn không giải quyết được vướng mắc tại địa điểm thực hiện dự án nói trên, UBND huyện Quế Sơn phải rà soát các Cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, tìm địa điểm khác phù hợp để nhà đầu tư thực hiện dự án, đảm bảo các vấn đề về giải phóng mặt bằng, cam kết về hạ tầng môi trường của Cụm công nghiệp theo quy định.

Trường hợp không thể giải quyết được dự án đầu tư theo các phương án nêu trên, UBND huyện Quế Sơn có trách nhiệm làm việc cụ thể với Công ty TNHH VietPeco để thống nhất việc tự chấm dứt hoạt động dự án.

Theo đó, UBND huyện Quế Sơn có trách nhiệm xử lý hoàn trả kinh phí nhà đầu tư đã tạm ứng để giải phóng mặt bằng dự án Nhà máy điện sinh khối Quế Sơn tại Cụm công nghiệp Đông Phú 1 và giải quyết các vấn đề phát sinh (nếu có) theo thẩm quyền, đảm bảo quy định.

UBND huyện Quế Sơn, Công ty TNHH VietPeco chịu trách nhiệm thực hiện và báo cáo kết quả về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, tham mưu giải quyết theo quy định.

UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, tài chính và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, theo dõi, hướng dẫn UBND huyện Quế Sơn, Công ty TNHH VietPeco thực hiện nội dung theo các chỉ đạo nêu trên; kịp thời giải quyết hồ sơ, thủ tục liên quan của dự án theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, tháng 9/2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình đã phê bình UBND huyện Quế Sơn và yêu cầu UBND huyện này kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án vào các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện (trong đó có Dự án Nhà máy Điện sinh khối Quế Sơn tại Cụm công nghiệp Đông Phú 1 của Công ty TNHH VietPeco) khi chưa đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, môi trường, dẫn đến khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án, dự án kéo dài nhiều năm.

Tập đoàn Ramid Hotels & Resorts tìm cơ hội đầu tư dự án tại 2 tỉnh miền Trung

Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh vừa tiếp và làm việc với Tập đoàn Ramid Hotels & Resorts (Hàn Quốc) do ông Moon Byung Wook, Chủ tịch Tập đoàn dẫn đầu đến tỉnh tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.

Đại diện tỉnh Bình Định và
Đại diện tỉnh Bình Định và Tập đoàn Ramid Hotels & Resorts đã ký kết biên bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bình Định. Ảnh: Trang Lê.

Thông tin tại buổi làm việc, ông Moon Byung Wook, Chủ tịch Tập đoàn Ramid Hotels & Resorts cho biết, đây là lần thứ 2 đến với tỉnh Bình Định. Ông Moon Byung Wook bày tỏ rằng tập đoàn mong muốn được hợp tác đầu tư, phát triển xây dựng tại Bình Định trên các lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng và dịch vụ giải trí; thời gian phát triển các Dự án có tính dài hạn bền vững, đáp ứng yêu cầu, chất lượng cho khách du lịch trong nước lẫn quốc tế.

Trước đó vào ngày 11/10/2024, ông Moon Byung Wook, Chủ tịch; ông Yoon Jin Keun, Phó chủ tịch; và ông Lee Peum, Cố vấn phát triển dự án của Tập đoàn Ramid Hotels & Resorts cũng có buổi việc với UBND tỉnh Bình Định. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, tập đoàn mong muốn nghiên cứu đầu tư dự án về sân golf, resort và học viện golf.

Tại buổi làm việc vào tháng 10/2024, các thành viên Tập đoàn Ramid đi khảo sát thực tế, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa điểm tiềm năng tại La Vuông (thị xã Hoài Nhơn) như Ngã ba Đông Dương, Cầu Lầy, Núi Chúa, bãi Bằng Lạc, Đồng Vuông, Hồ La Vuông…

Phát biểu tại làm việc, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, địa phương rất mong muốn được hợp tác đầu tư với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc.

Chủ tịch tỉnh Bình Định gợi ý một số vị trí trên địa bàn tỉnh để tập đoàn khảo sát, xác định định hướng đầu tư đồng thời; cam kết tạo điều kiện tốt nhất để đơn vị khảo sát, nghiên cứu đầu tư phát triển dự án tại Bình Định.

Ông Tuấn cho rằng, đây là thời điểm tốt để Tập đoàn Ramid Hotels & Resorts xúc tiến, triển khai các dự án đầu tư vào tỉnh.Trước gợi ý định hướng đầu tư của lãnh đạo tỉnh Bình Định, ông Moon Byung Wook cho biết sẽ khảo sát, nghiên cứu để có quyết định đầu tư.

Được biết, sau khi làm việc với UBND tỉnh Bình Định, ngay trong ngày 18/12, Tập đoàn Ramid Hotels & Resorts có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận.

Làm việc với tỉnh Ninh Thuận, ông Moon Byung Wook  đề cập, qua khảo sát và tìm hiểu, tập đoàn đánh giá cao môi trường đầu tư tại địa phương, đặc biệt là vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên.

Tập đoàn cam kết có đủ năng lực về tài chính và thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường khi đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận và mong muốn kết nối, hợp tác tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án về du lịch nghỉ dưỡng và sân golf trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, ông Trần Quốc Nam Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh luôn coi trọng các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và thời gian qua có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đến Ninh Thuận tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác để cùng phát triển.

Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận đánh giá cao sự quan tâm tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu của tập đoàn đối với các lĩnh vực tỉnh có lợi thế và mong muốn tập đoàn nghiên cứu, tham gia đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có lợi thế cũng như phù hợp với định hướng chiến lược, thế mạnh của tập đoàn.

Ông Nam giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận làm đầu mối hỗ trợ, cung cấp thông tin và hướng dẫn nhà đầu tư các trình tự thủ tục liên quan đến dự án nhằm thúc đẩy cơ hội hợp tác đầu tư tại tỉnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cũng cam kết tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho tập đoàn trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư, ưu đãi đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nhà đầu tư để khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Theo giới thiệu, Tập đoàn Ramid Hotels & Resorts được thành lập năm 1980, hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng và sân golf tại Hàn Quốc. Hiện, Tập đoàn Ramid Hotels & Resorts đã phát triển các thương hiệu như Ramada, Miranda Hotel, MsClub, Victoria Hotel & Wedding, Flamingo Country Club, MsClub, Goldhill country club…tại Hàn Quốc và  khu vực Châu Á.
Kể từ khi ra mắt thương hiệu cao cấp BOTANIQUE vào năm 2021, Ramid đã mở rộng phạm vi của mình khi kết nối với nhiều lĩnh vực liên quan đến bất động sản. Hiện nay, Tập đoàn Ramid đã đầu tư và đi vào hoạt động 4 khách sạn trong đó có 1 khách sạn 6 sao; 2 câu lạc bộ golf, 2 sân golf và 1 cơ sở luyện tập.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu quản chặt chất lượng Dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Ban quản lý Dự án 7 yêu cầu tăng cường kiểm soát chất lượng, tiến độ thi công Dự án thành phần đoạn Vân Phong – Nha Trang thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Một đoạn cao tốc Vân Phong - Nha Trang.
Một đoạn cao tốc Vân Phong – Nha Trang.

Theo đó,  Bộ GTVT yêu cầu Ban quản lý dự án 7 rà soát để xử lý triệt để các hạng mục cục bộ còn một số tồn tại, khiếm khuyết đã được Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chỉ ra trong các lần kiểm tra hiện trường, không để ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Ban quản lý dự án 7 phải tăng cường công tác kiểm tra và giám sát chặt chẽ chất lượng thi công, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ của vật tư, vật liệu và thiết bị sử dụng cho công trình đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án, đặc biệt trong công tác thảm bê tông nhựa (thành phần cấp phối, hỗn hợp nhựa, thiết bị thi công, sơ đồ lu, nhiệt độ lu) đảm bảo chất lượng, độ bằng phẳng, sai số cho phép…

Đối với các hạng mục có yêu cầu cao về kỹ, mỹ thuật như đường đầu cầu, khe co giãn, lan can, dải phân cách… chủ đầu tư cần chỉ đạo tư vấn kiểm tra rà soát và xử lý ngay các vị trí không đạt yêu cầu.

Ban quản lý dự án 7 phải chủ động làm việc, phối hợp với địa phương để hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt đối với trạm dừng nghỉ, bàn giao cho dự án trước 31/12/2024, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Đối với các nhà thầu chậm trễ, chủ đầu tư cần có giải pháp quyết liệt theo thẩm quyền để đảm bảo tiến độ hoàn thành đồng bộ dự án; chỉ đạo nhà thầu đứng đầu Liên danh phải phát huy vai trò điều hành, điều phối giữa các thành viên; các nhà thầu tham gia dự án phải phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác tổ chức thi công, đáp ứng kế hoạch.

Các nhà thầu được yêu cầu tổ chức thi công cuốn chiếu các dây chuyền thi công nền, móng, mặt, hệ thống an toàn giao thông, đường gom…, thi công đến đâu hoàn thiện đến đó; tập trung rà soát, hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng, hồ sơ hoàn công phục vụ công tác kiểm tra, nghiệm thu đưa công trình vào khai thác sử dụng theo quy định.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc  “phấn đấu hoàn thành Dự án vào dịp 30/4/2025”, Ban quản lý dự án 7 (chủ đầu tư dự án) và các đơn vị liên quan đã nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện Dự án thành phần đoạn Vân Phong – Nha Trang nhằm đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án 7 , đến nay, sản lượng thi công của Dự án đã đạt 83,2%, đang tiếp tục triển khai thi công hạng mục móng mặt đường cũng như công tác hoàn thiện các cầu, hệ thống an toàn giao thông để sớm hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Trước đó, Liên danh một số nhà thầu thi công Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Vân Phong – Nha Trang gồm: Tập đoàn Sơn Hải – Vinaconex – LIZEN đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất được đưa vào khai thác sử dụng 68,35 km đoạn nối từ Dự án thành phần Nha Trang – Cam Lâm đến nút giao Vạn Giẽ thuộc Dự án thành phần Vân Phong – Nha Trang.

Đây là phân đoạn thuộc Gói thầu XL01 – thi công xây dựng đoạn Km285 – Km337 +500 do liên danh LIZEN – Công ty Phương Thành – Công ty Hải Đăng – Công ty VNCN E&C và Gói thầu XL01 – thi công xây dựng đoạn Km337+500 – Km368+350 do liên danh Tập đoàn Sơn Hải – Vinaconex thi công. Theo tiến độ ban đầu, phần công việc của liên danh Tập đoàn Sơn Hải – Vinaconex – Lizen sẽ phải hoàn thành, đưa vào khai thác vào cuối năm 2025.

Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Vân Phong – Nha Trang có điểm đầu tại Km285, kết nối đường dẫn cửa phía Nam hầm Cổ Mã thuộc địa phận huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại Km368+500 kết nối điểm đầu Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, đoạn Nha Trang – Cam Lâm thuộc địa phận huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Tổng chiều dài tuyến đường là 83,35 km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư là 11.808,02 tỷ đồng; được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước; được khởi công ngày 1/1/2023; dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Thúc tiến độ hạng mục kết nối với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi UBND tỉnh Long An về việc hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục kết nối với cao tốc Bến Lức – Long Thành thuộc Gói thầu XL3 của Dự án thành phần 7 đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Long An.

Theo đó, để nhằm sớm đưa đoạn tuyến phía Tây vào khai thác để từng bước hoàn thành toàn bộ Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, phát huy hiệu quả đầu tư theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Long An quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thuộc Gói thầu XL3 của Dự án đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành đoạn tuyến 250 m thuộc nhánh kết nối với với Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (nhánh A) trước ngày 31/12/2024 và các hạng mục nhánh H, cầu vượt ngang và đường 2 đầu cầu vượt ngang trước ngày 30/3/2025.

Một đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành.  đoạn giao TP.HCM - Trung Lương và vành đai 3.
Một đoạn cao tốc Bến Lức – Long Thành sẵn sàng đưa vào khai thác.

Được biết, Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, thời gian hoàn thành toàn bộ Dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh đến ngày 30/9/2025 tại Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 3/7/2023.

Hiện nay Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào khai thác một số đoạn tuyến để giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân địa phương trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Cụ thể, đoạn tuyến dài 3,4 km từ nút giao với đường cao tốc TP. HCM – Trung Lương đến nút giao với Quốc lộ 1 dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2024; đoạn tuyến dài 18,8 km từ nút giao Quốc lộ 1 đến nút giao Nguyễn Văn Tạo dự kiến đưa vào khai thác trước ngày 30/4/2025

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra hiện trường ngày 15/12/2024 của lãnh đạo Bộ GTVT và Sở GTVT tỉnh Long An, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Long An và VEC, khối lượng của hạng mục kết nối (250m) với cao tốc Bến Lức – Long Thành thuộc Gói thầu XL3 của còn lại không nhiều nhưng chưa hoàn thành thi công.

“Việc chậm thi công đoạn tuyến trên sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác đoạn tuyến dài 3,4 km thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành từ nút giao với đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương đến nút giao với Quốc lộ 1”, ông Lê Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá.

Được biết, các hạng mục kết nối giữa đường vành đai 3 TP.HCM với cao tốc Bến Lức Long Thành thuộc Gói thầu XL03 gồm: 250 m thuộc nhánh A và nhánh H, cầu vượt ngang và đường 2 đầu cầu vượt ngang.

Gói thầu do Llên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Trung Thành – Công ty cổ phần Đầu tư Tam Sơn – Tổng công ty Thăng Long thi công.

Theo thông báo số 6043/TB-SGTVT ngày 22/11/2024 của Sở GTVT tỉnh Long An, chậm nhất đến ngày 17/12/2024 phải hoàn thành tuyến nhánh A, chậm nhất đến ngày 22/12/2024 bàn giao cho VEC.

Tuy nhiên thực tế đến ngày 15/12/2024, 250 m tuyến nhánh A vẫn chưa thi công lớp cấp phối đá dăm ảnh hưởng lớn đế khả năng đưa vào khai thác 3,4 km cao tốc Bến Lức – Long Thành như kế hoạch.

Đà Nẵng thông tin về lộ trình thu hút đầu tư vào khu thương mại tự do

Ngày 20/12, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn về tình hình thu hút đầu tư vào Khu thương mại tự do Đà Nẵng, cũng như vấn đề nhà đầu tư quan tâm nhất khi tham gia đầu tư vào khu vực này là gì, ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố vừa có Dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, ra quyết định thành lập Khu thương mại tự do và phê duyệt Đề án.

Ảnh minh họa
Đà Nẵng đang nghiên cứu, đánh giá toàn diện để xác định vị trí các khu vực lấn biển thực hiện Khu thương mại tự do.

“Trên cơ sở đó, Đà Nẵng mới có thể triển khai các bước tiếp theo như các hạng mục, phân khu, kêu gọi đầu tư vào đây…”, ông Cường cho hay.

Theo ông Cường, Nghị quyết 136 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng mang khung chính và việc áp dụng các cơ chế, chính sách mang tính chất nổi trội nhất khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nhưng chưa rõ nét cho Khu thương mại tự do là gì, nên thành phố sẽ tham mưu Chính phủ để ban hành Nghị định.

Đối với Khu thương mại tự do, hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư tiếp cận vào đây như đầu tư cảng biển, với quy mô lớn, mang tầm quốc tế, trong đó có cả về đầu tư công nghệ cao, chip, vi mạch, bán dẫn…

“Họ tiếp cận theo hướng là chúng ta có mô hình đó. Còn cụ thể như thế nào, chúng tôi sẽ làm việc với nhà đầu tư, sau khi có Đề án của Chính phủ”, ông Cường chia sẻ.

Ngoài ra, Đà Nẵng chưa công bố vị trí cụ thể của khu lấn biển, đang nghiên cứu, đánh giá toàn diện để xác định định hướng và lộ trình đầu tư xây dựng.

“Đề án thành lập khu thương mại tự do đang xin chủ trương của Trung ương, khi Thủ tướng phê duyệt thì mới cho phép nghiên cứu để hình thành khu lấn biển”, ông Cường cho hay.

Quan điểm của Đà Nẵng là trước mắt những vị trí nào có thể làm nhanh được thì giải phóng mặt bằng nhanh, gắn với cảng biển Liên Chiểu, sân bay để hình thành được ba phân khu chính trong khu thương mại tự do. Đó là các phân khu sản xuất hàng hóa, logistics và thương mại – dịch vụ, để hình thành cơ sở hạ tầng, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược.

Nguồn: https://baodautu.vn/khoi-cong-xay-dung-cau-nguyen-trai-hon-6235-ty-dong-8200-ty-nang-cap-cang-hang-khong-tho-xuan-d233465.html

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Chỉ thị nêu rõ: Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025; Ban Thường vụ Tinh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:1. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc tinh thần Chi thị...

Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông Dinh khu vực xã Phước Sơn

Theo báo cáo của địa phương, trong thời gian gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông Dinh trên địa bàn xã Phước Sơn diễn ra nghiêm trọng, với chiều dài trên 5 km. Tại các vị trí bị sạt lở đã lấn sau vào khu dân cư, đất sản xuất của nhiều hộ dân, không chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.Đồng chí...

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

   Vị trí và hướng đi của áp thấp nhiệt đới ngày 23/12. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 1 giờ ngày 23/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,9 độ Vĩ Bắc; 113,6 độ Kinh Đông, trên khu vực Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; áp...

Ninh Thuận: Trao Quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình

Sáng ngày 23/12/2024, UBND tỉnh tổ chức trao Quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình. Đồng chí Trịnh Minh Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, trao quyết định và chúc mừng đồng chí được bổ nhiệm. Theo đó, UBND tỉnh đã điều động, bổ nhiệm ông Hoàng Lộc, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển...

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, chúc mừng các đơn vị quân đội trên địa...

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). Sáng ngày 22/12/2024, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, chúc mừng và động viên một số đơn vị quân đội gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Lữ đoàn Đặc công nước 5, Bộ Chỉ huy Quân...

Cùng chuyên mục

Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Chỉ thị nêu rõ: Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025; Ban Thường vụ Tinh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:1. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc tinh thần Chi thị...

Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông Dinh khu vực xã Phước Sơn

Theo báo cáo của địa phương, trong thời gian gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông Dinh trên địa bàn xã Phước Sơn diễn ra nghiêm trọng, với chiều dài trên 5 km. Tại các vị trí bị sạt lở đã lấn sau vào khu dân cư, đất sản xuất của nhiều hộ dân, không chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.Đồng chí...

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

   Vị trí và hướng đi của áp thấp nhiệt đới ngày 23/12. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 1 giờ ngày 23/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,9 độ Vĩ Bắc; 113,6 độ Kinh Đông, trên khu vực Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; áp...

Ninh Thuận: Trao Quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình

Sáng ngày 23/12/2024, UBND tỉnh tổ chức trao Quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình. Đồng chí Trịnh Minh Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, trao quyết định và chúc mừng đồng chí được bổ nhiệm. Theo đó, UBND tỉnh đã điều động, bổ nhiệm ông Hoàng Lộc, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển...

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, chúc mừng các đơn vị quân đội trên địa...

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). Sáng ngày 22/12/2024, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, chúc mừng và động viên một số đơn vị quân đội gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Lữ đoàn Đặc công nước 5, Bộ Chỉ huy Quân...

Tp.Phan Rang – Tháp Chàm: Công bố Tổ cộng đồng xanh và ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Tp.Phan Rang-Tháp Chàm tại buổi lễ. Ảnh Phan BìnhTổ cộng đồng xanh được thành lập với mục tiêu đảm bảo và duy trì tính hiệu quả của Dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên hải – Tiểu dự án Tp. Phan Rang – Tháp Chàm. Tổ hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện, vì một thành phố...

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ

Sáng 21/12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận có đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Nội vụ và các sở, ban, ngành, địa phương.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, chúc mừng Giáng sinh năm 2024

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh thăm, chúc mừng Ban Đại diện Tin lành tỉnh Ninh Thuận.  Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh thăm, chúc mừng Giáo hạt Ninh Sơn.Tại những nơi đến thăm, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng các linh mục, mục sư và bà con giáo...

Đồng chí Trần Quốc Nam – Chủ tịch UBND tỉnh thăm, chúc mừng nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024

Nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức các đoàn đi thăm các tổ chức và chức sắc, chức việc của đạo Công giáo, Tin lành trong tỉnh. Chiều ngày 21/12/2024, đồng chí Trần Quốc Nam – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Ninh Thuận đi thăm Ban Đại diện Tin lành...

Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự năm 2024, triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm...

Chiều ngày 20/12/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên – Trưởng Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh chủ trì Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh năm 2024, triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2025. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên phát biểu chỉ đạo...

Tin nổi bật

Tin mới nhất