Chiều 25/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, chủ trì Hội nghị trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tham dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU tại đợt thanh tra lần thứ 4, đến nay cơ bản đã khắc phục, hoàn thiện về khung pháp lý, tăng cường công tác quản lý đội tàu, theo dõi giám sát và kiểm soát tàu cá và thực hiện chặt chẽ quy định về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; việc thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU đạt được một số kết quả quan trọng. Qua rà soát, toàn quốc hiện có 84.752 tàu, trong đó có 77.717 chiếc đã được đăng ký; số lượng tàu cá từ 15m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình đạt 98,6%, đánh dấu tàu cá đạt 98%. Thực thi pháp luật, cơ quan chức năng đã khởi tố 18 vụ hình sự, xử phạt 4.237 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Năm 2024 đã xử phạt 21 vụ vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Thuận.
Tại địa bàn tỉnh Ninh Thuận, hiện có 2.395 tàu cá, trong đó có 884 tàu từ 15m trở lên đang hoạt động đều đã được lắp thiết bị giám sát tàu cá trên biển. Trong những năm qua và đến nay không có trường hợp tàu vượt ranh giới trên biển khai thác hải sản bất hợp pháp.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, đến nay vẫn còn một số nhiệm vụ chống khai thác IUU chậm khắc phục như: Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở nước ngoài vẫn dẫn biến phức tạp và gia tăng; năm 2024 có 61 tàu/418 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; hiện cả nước còn 7.035 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Công tác theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá, giám sát truy xuất nguồn gốc hải sản; thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác còn một số khó khăn, chưa chặt chẽ.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà lưu ý các ngành, địa phương cần có giải pháp trọng tâm khắc phục các tồn tại, hạn chế để chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ 5 (dự kiến vào tháng 11/2024); nếu không khẩn trương khắc phục, không tạo được chuyển biến đột phá sẽ rất khó gỡ cảnh báo “thẻ vàng”; cần phải xác định, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản. Cần bám sát các chỉ đạo, xác định rõ trách nhiệm triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp vùng biển nước ngoài; đây là điều kiện tiên quyết để EC xem xét tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng”. Các địa phương tập trung cao điểm nguồn lực, tăng cường lực lượng phối hợp tại các địa bàn trọng điểm; khẩn trương hoàn thành công tác quản lý tàu cá “3 không”, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu cá trên biển và tại cảng; thực hiện nghiêm công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Mở chiến dịch cao điểm tuần tra, kiểm soát quyết liệt trong thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU.
Anh Tuấn
Nguồn: http://baoninhthuan.com.vn/news/150032p24c32/hoi-nghi-truc-tuyen-ve-chong-khai-thac-hai-san-bat-hop-phap-khong-bao-cao-va-khong-theo-quy-dinh.htm