Chiều 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ, vướng mắc, khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo (NLTT). Tham dự có các Phó Thủ tướng Chính Phủ: Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận có các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế khuyến khích phát triển NLTT và đạt nhiều kết quả nhất định. Đến hết năm 2023, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió, điện mặt trời, điện mặt trời áp mái nhà là 21.664 MW, chiếm khoảng 27% trong hệ thống điện điện quốc gia; sản lượng điện phát hằng năm đạt khoảng 27.317 triệu kWh. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh nên trong quá trình triển khai có nhiều dự án phát sinh một số sai phạm như: Việc hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng đối tượng, công nhận ngày vận hành thương mại và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận kết quả nghiệm thu; chồng lấn với các quy hoạch thủy lợi, khoáng sản, đất quốc phòng.
Trên cơ sở nhiệm vụ giao, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng báo cáo đề xuất giải quyết vướng mắc và được Chính phủ biểu quyết thông qua nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án NLTT tại phiên họp thường kỳ tháng 11 vừa qua. Theo đó, quan điểm tháo gỡ tập trung lựa chọn phương án xử lý tối ưu trên cơ sở phân tích, đánh giá lợi ích về kinh tế – xã hội, hạn chế việc tranh chấp, khiếu kiện, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư; điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các dự án vi phạm và các trường hợp tiêu cực, tham nhũng.
Các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: P.Bình
Tại hội nghị, các đại biểu đồng tình, thống nhất cao với nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án NLTT; đồng thời, đề xuất Chính phủ đánh giá toàn diện bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật và sớm có giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả. Tham gia phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Trên cơ sở nội dung nghị quyết của Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung khắc phục toàn diện các dự án NLTT chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định trong thời gian sớm nhất. Đối với các dự án NLTT đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII, tỉnh sẽ thực hiện đầy đủ, chặt chẽ các bước quy trình chủ trương đầu tư theo thẩm quyền, kiên quyết không để các dự án chưa đảm bảo điều kiện đi vào hoạt động. Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 dự án NLTT, trong đó có 5 dự án đầu tư nước ngoài; qua rà soát hiện còn một số khó khăn, vướng mắc, đồng chí mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có hướng dẫn tháo gỡ cụ thể, rà soát lại các dự án vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 nhằm bảo đảm điều kiện được hưởng cơ chế giá điện ưu đãi theo quy định…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhấn mạnh: Chủ trương phát triển NLTT là giải pháp thiết thực nhằm tạo nguồn năng lượng ổn định, góp phần phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; tuy nhiên thời gian qua còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Thủ tướng đề các nghị bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nghiêm túc theo 6 nhóm giải pháp nêu trong nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án NLTT; trong đó, rà soát, đánh giá kỹ lượng đối với các dự án vi phạm về quy trình, thủ tục liên quan đến đất đai, chồng lấn quy hoạch để có phương án xử lý đảm bảo hài hòa giữa doanh nghiệp và nhà nước. Tiếp tục tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn, nhất là về thủ tục đất đai, chuyển mục đích đất rừng; các cơ quan thẩm quyền tập trung rà soát, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư khắc phục vi phạm; tăng cường hỗ trợ thủ tục pháp lý cho các dự án đã được phê duyệt để đẩy nhanh quá trình đầu tư. Đồng thời, đề xuất cập nhật, bổ sung các dự án NLTT vào Quy hoạch điện VIII đảm bảo lộ trình theo kế hoạch đề ra…
Hồng Lâm
Nguồn: http://baoninhthuan.com.vn/news/150805p24c32/hoi-nghi-truc-tuyen-cong-bo-va-trien-khai-nghi-quyet-cua-chinh-phu-ve-chu-truong-phuong-huong-thao-go-vuong-mac-kho-khan-cho-cac-du-an-nang-luong-tai-tao.htm