Ngày 14/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Thúc đẩy số hóa ngành Nông nghiệp”. Tham dự tại điểm cầu Ninh Thuận có đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp (NN).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, những năm gần đây, ngành NN đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số như IoT, GIS, robot tự động hóa, tưới tiết kiệm vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản phẩm cây trồng, vật nuôi, tăng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công cuộc số hóa trong lĩnh vực NN từ trung ương đến địa phương còn những khó khăn nhất định; khả năng áp dụng khoa học công nghệ mới trong NN hiện còn thấp và thiếu đồng bộ…Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương, doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành hàng đã tập trung đánh giá thực trạng, các điểm nghẽn về tình hình số hóa; đồng thời kiến nghị, đề xuất Chính phủ ban hành một số chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ tham gia thúc đẩy số ngành NN trong thời gian tới.
Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, nhấn mạnh: Phát triển NN, nông thôn được coi là vấn đề then chốt, góp phần tạo thành công trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội; đặc biệt, với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số sẽ là nhân tố, giải pháp triệt để khắc phục những hạn chế mà nền NN nước ta đang phải đối mặt. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, tham mưu, đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện các hoạt động chuyển đổi số NN; xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và dữ liệu về đất đai, thổ nhưỡng, chỉ dẫn địa lý. Đối với các địa phương, tăng cường tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ người dân, cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận công nghệ số trong sản xuất; triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành NN cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế; ưu tiên đầu tự phát triển hạ tầng cho các vùng sản xuất NN ứng dụng công nghệ cao.
Hồng Lâm