Qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã tập trung tổ chức nhiều hoạt động phát triển văn hóa, văn nghệ, qua đó làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân cũng như phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà.
Đồng chí Văn Công Hòa, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: Bám sát các nhiệm vụ chính trị và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, toàn ngành đã phát huy tính chủ động, chỉ đạo, điều hành công tác tham mưu xây dựng và ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai xây dựng phát triển toàn diện các hoạt động văn hóa. Trong đó, tập trung xây dựng, thực hiện công tác tuyên truyền, quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và phục vụ kỷ niệm các ngày lễ, tết, các sự kiện của tỉnh… đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương, đồng thời truyền tải thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Nổi bật là công tác tham mưu tổ chức các sự kiện, các ngày lễ lớn của của tỉnh như: Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh; Lễ đón bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và bằng xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh vịnh Vĩnh Hy; Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội… Gần đây nhất, Lễ đón bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho – Vang năm 2023 diễn ra thành công đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp đối với nhân dân tỉnh nhà, du khách trong và ngoài nước về bản sắc văn hóa, nét đẹp con người, vùng đất Ninh Thuận.
Chương trình nghệ thuật tại đêm Bế mạc Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận năm 2023. Ảnh: Văn Nỷ
Bên cạnh đó, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, văn nghệ quần chúng được tổ chức thường xuyên, sôi nổi và rộng khắp trên cả tỉnh. Trong thời điểm bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn, tạm ngưng nhiều hoạt động mang tính tập trung, sau khi tình hình dịch được kiểm soát, toàn ngành đã tích cực đẩy mạnh tổ chức các hoạt động biểu diễn, chiếu phim và tuyên truyền; tham gia thành công nhiều đợt liên hoan, hội thi, hội diễn trong tỉnh, khu vực và toàn quốc. Đồng thời, chú trọng đưa công tác văn hóa đến đồng bào các dân tộc miền núi, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần thu hẹp khoảng cách về thụ hưởng thông tin, văn hóa giữa các dân tộc vùng sâu và đô thị.
Hoạt động phát triển văn hóa đọc, phục vụ bạn đọc trong hệ thống thư viện tiếp tục được duy trì từ tỉnh đến cơ sở và các chỉ tiêu cơ bản về công tác phục vụ bạn đọc đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ông Đinh Xuân Hương, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Nhằm đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, nhất là đọc sách, thời gian qua, Thư viện tỉnh đã đa dạng hình thức phục vụ nhân dân. Ngoài các hình thức truyền thống như trưng bày, giới thiệu sách mới, sách chuyên đề, tài liệu tuyên truyền, luân chuyển tài liệu, Thư viện tỉnh đưa vốn tài liệu lên trang web (thuvienninhthuan.vn) để bạn đọc có thể truy cập, tìm kiếm, nghe và đọc ở mọi lúc, mọi nơi; thực hiện các chuyến xe lưu động về cơ sở; triển khai phục vụ bạn đọc vào sáng thứ Bảy tại Thư viện tỉnh…
Các nghệ nhân xã Phước Hà tái hiện nghi lễ ăn mừng đầu lúa mới của đồng bào Raglai địa phương. Ảnh: S.Ngọc
Công tác quản lý di sản, hoạt động bảo tàng tiếp tục được đẩy mạnh, chú trọng; thực hiện tốt công tác thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị DSVH trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh ta có 1 danh lam thắng cảnh (vịnh Vĩnh Hy) và 2 danh mục DSVH phi vật thể (Cụm nghi lễ đầu năm của người Chăm làng Bỉnh Nghĩa và Lễ ăn đầu lúa mới của người Raglai, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam) được Bộ VH,TT&DL công nhận cấp quốc gia; 5 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực DSVH phi vật thể. UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận 4 di tích cấp tỉnh; thực hiện số hóa hơn 200 hiện vật và xây dựng được một số bộ sưu tập hiện vật. Ngoài ra, còn phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai thành công các đề tài về địa danh tỉnh Ninh Thuận; điều tra văn hóa phi vật thể người Chăm tỉnh Ninh Thuận; sưu tầm, biên dịch di văn Hán – Nôm trong các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh… Tất cả các sản phẩm được chuyển giao và sử dụng có hiệu quả trong công tác nghiên cứu, bảo tồn DSVH.
Phát huy những kết quả đạt được, trong nửa nhiệm kỳ còn lại, toàn ngành tiếp tục tổ chức các buổi triển lãm tại chỗ và tuyên truyền cổ động trực quan nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn; tập trung khai thác vốn văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc trong tỉnh (Chăm, Raglai) phát triển và đưa vào chương trình biểu diễn nghệ thuật nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận; tham mưu UBND tỉnh hoàn thành lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Hòa Lai và tháp Pô Klông Garai gắn với phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2030; tăng cường công tác khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa DSVH truyền thống của đồng bào DTTS.
Lê Thi