Giống cây trồng nói chung và giống nho nói riêng có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong phát triển nông nghiệp; thời gian qua, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (gọi tắt là Viện Nha Hố) đã nghiên cứu, tuyển chọn ra nhiều giống cây trồng.
Trong đó, các giống nho ăn tươi có khả năng cho năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh, phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh Ninh Thuận, điển hình như NH01-48 (nho xanh), NH01-152 (nho móng tay), NH04-102 (nho ngón tay đen không hạt),… đã được chuyển giao và phát triển trong sản xuất; từ đó, đã tạo nên một bước nhảy vọt về chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế của cây nho tại Ninh Thuận.
Nông dân xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) trồng nho NH01-152 (nho móng tay). Ảnh: Văn Nỷ
Để góp phần phát triển thương hiệu nho và các sản phẩm từ nho của Ninh Thuận, bản quyền giống là yếu tố quyết định giúp cho cây nho Ninh Thuận ổn định thị trường trong nước và hướng đến vươn ra thị trường thế giới, không có bản quyền thì không thể xuất khẩu. Vì thế, thời gian qua Viện Nha Hố đã hoàn thiện các hồ sơ đề nghị cấp bằng bảo hộ cho các giống nho nói riêng và một số giống cây trồng khác nói chung. Mới đây, hai giống nho ăn tươi NH01-152 và NH04-102 đã được Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới. Tại các Quyết định số 521, 522/QĐ-TT-VPBH ngày 5/11/2024 về cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới đối với giống nho NH01-152 và NH04-102, bằng bảo hộ có hiệu lực trong thời gian 25 năm. Được biết, trước đây hai giống nho rượu NH02-37 (nguyên liệu vang trắng) và NH02-97 (nguyên liệu vang đỏ) do Viện Nha Hố tuyển chọn cũng đã được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới. Đến thời điểm hiện tại, đã có 4 giống nho được Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới.
Việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo hộ giống nho đã góp phần xây dựng thương hiệu nho và các sản phẩm từ nho của tỉnh nhà. Bảo hộ giống cây trồng nhằm tạo động lực cho các hoạt động nghiên cứu, tạo ra nhiều giống cây mới có đặc tính tốt, chống chịu được với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và thỏa mãn yêu cầu từ thị trường. Đặc biệt, kể từ khi Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV) từ tháng 12/2006 đến nay, tham gia bảo vệ quyền sở hữu tác giả để phát triển thêm nhiều giống cây trồng mới theo đích đến tích cực vì lợi ích cộng đồng, hiệu quả, đưa sản phẩm giống cây trồng Việt Nam ra thị trường thế giới.
Công Kiên
Nguồn: http://baoninhthuan.com.vn/news/150529p25c151/hai-giong-nho-an-tuoi-nh01152-va-nh04102duoc-cap-bang-bao-ho-giong-cay-trong-moi.htm