Tối 13/9, Lễ trao Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá Thể thao và Du lịch” lần thứ Nhất đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đến dự có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tại Lễ trao giải, Ban tổ chức đã trao 97 giải thưởng, gồm 3 Giải tập thể cho 3 cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự giải, đạt kết quả cao và 94 giải cá nhân của các tác giả, nhóm tác giả (trong đó có 4 giải Nhất, 15 giải Nhì, 25 giải Ba và 50 giải Khuyến khích).
Theo Tổng Biên tập Báo Văn hóa Nguyễn Anh Vũ, Phó Trưởng Ban tổ chức giải, Ủy viên thường trực Hội đồng chung khảo cho biết, tác phẩm dự giải không chỉ nhiều về số lượng, đa dạng về đề tài, mà còn đạt chất lượng chuyên môn tốt, quy tụ được nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tham gia. Các tác phẩm đều bám sát các chủ đề lớn, phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của năm 2022 – 2023 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Nhiều bài báo công phu, khai thác những chủ đề, vấn đề gai góc, thời sự nóng bỏng…
Ba cơ quan báo chí giành Giải tập thể tại giải báo chí “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá Thể thao và Du lịch” lần thứ Nhất. Ảnh: BTC
“Giải thưởng cũng kỳ vọng các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, từ đó “hiến kế”, đưa ra giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong các lĩnh vực hoạt động của ngành trong thời gian tới…”, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy, Trưởng Ban tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Nhất chia sẻ.
Một số đề tài nhận được sự quan tâm của đông đảo các tác giả quan tâm như các chính sách, vấn đề lớn về chấn hưng văn hóa, phát triển văn hóa đất nước, khơi dậy những giá trị cao quý, thiêng liêng của người Việt; kỷ niệm 80 năm ngày ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam; các chính sách trong công tác nhà nước về di sản; các vấn đề về gìn giữ, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa quốc gia, di sản văn hóa vùng miền; các tấm gương trong thể thao thành tích cao, thể thao quần chúng, thể thao cho người khuyết tật; chính sách khôi phục và phát triển du lịch tại các địa phương sau đại dịch COVID-19; phê phán các thói hư, tật xấu, phân tích mặt trái của mạng xã hội trong các vấn đề về văn hóa, gia đình và ứng xử; chỉ ra khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các mặt của công tác văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình, từ đó đưa ra giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, kêu gọi toàn xã hội chung tay giải quyết.
“Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ta quan tâm đến lĩnh vực văn hóa thì sự ra đời của Giải báo chí toàn quốc ‘Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch’ là rất cần thiết”, Nhà báo Lê Quốc Minh – Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chung khảo Giải.
Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá Thể thao và Du lịch” cũng giới thiệu, quảng bá những kết quả, thành tựu của công tác văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình. Đồng thời, phát hiện những điển hình tiên tiến trong ngành; cổ vũ, động viên cán bộ toàn ngành chung sức, đồng lòng tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình.
Các tác phẩm cũng góp phần chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập; đưa ra giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình từ Trung ương đến địa phương.
Đây cũng là cơ hội để các nhà báo, phóng viên, biên tập viên được trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, báo chí đối với lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch, gia đình.
Ban Tổ chức đã nhận được 1.079 tác phẩm thuộc 5 loại hình Báo in, Báo điện tử, Phát thanh, Truyền hình và Báo ảnh dự Giải. Đây là số lượng tác phẩm lớn, nhất là đối với một giải báo chí ngành tổ chức trong năm đầu tiên. Điều này thể hiện sức hút của giải, sự quan tâm của các nhà báo, của công chúng báo chí đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Theo TTXVN/Báo Tin tức