Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng đã công bố 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu trong năm 2024 của Quốc hội.
Đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật theo yêu cầu phát triển mới
Năm 2024, công tác lập pháp đạt được kết quả rất quan trọng, đặc biệt ghi nhận sự đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.
Các luật ban hành ngắn gọn, thực chất, quy định đúng và đủ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, bảo đảm tính ổn định, giá trị lâu dài.
Số lượng luật, nghị quyết được thông qua trong năm nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay với 31 luật, 42 nghị quyết (chiếm gần 50% tổng số nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành từ đầu nhiệm kỳ đến nay)…
Thông qua Luật Đất đai năm 2024; quyết định Luật Đất đai cùng với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm 5 tháng
Việc quyết định các luật có hiệu lực sớm hơn 5 tháng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất, thị trường bất động sản và nhà ở phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bảo đảm nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất…
Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư 2 dự án lớn, có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển bền vững của đất nước là đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam và khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Đây là quyết định lịch sử, vào thời điểm đã chín muồi đối với 2 dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, với tổng mức đầu tư rất lớn và hội tụ hàm lượng khoa học, công nghệ cao, tác động toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Quốc hội thông qua 2 chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống ma túy và phát triển văn hóa
Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 và nghị quyết về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 (tại kỳ họp thứ 8).
Quốc hội quyết định “thông cấp” khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế đối với bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần điều trị bằng kỹ thuật cao
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã quy định về việc cho phép người có thẻ bảo hiểm y tế mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được lên thẳng cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu (các bệnh viện lớn, đầu ngành) mà không phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến như hiện hành.
Đồng thời vẫn được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo tỉ lệ phần trăm mức hưởng quy định mà không cần phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh.
Thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo tiến độ
Kỳ họp thứ 8 đã thông qua nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương. Đây là quyết định có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị của nước ta.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã hoàn thành xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 51 tỉnh, thành. Qua đó giảm được 9 đơn vị cấp huyện, 563 đơn vị cấp xã.
Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia lần đầu tiên tại Việt Nam
Đây là quy hoạch cấp quốc gia mang tính tổng hợp, đa ngành, chuyên môn cao và rất phức tạp, lần đầu tiên được lập ở Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV
Đây được coi là hoạt động “giám sát lại” đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Bám sát chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội
Quốc hội và các đại biểu Quốc hội thống nhất cao và gương mẫu, đi đầu trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng.
Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia.
Sắp xếp, kiện toàn Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Coi đây là một trong những yếu tố “then chốt của then chốt” để đổi mới hoạt động của Quốc hội.
Quốc hội Việt Nam tiếp tục thúc đẩy, tăng cường hợp tác nghị viện trên bình diện song phương và đa phương, góp phần hiện thực hóa đường lối đối ngoại của Đảng
Công tác đối ngoại của Quốc hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hoạt động đối ngoại song phương giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững…
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/tu-hom-nay-nguoi-tai-nang-vao-cong-chuc-co-the-huong-muc-luong-hon-58-trieu-dong-thang-20250101072330715.htm#content