Theo Quyết định số 1319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đến năm 2030 năng lượng, năng lượng tái tạo (NLTT) chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP của tỉnh, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong toàn tỉnh.
Bám sát định hướng, quy hoạch của trung ương, tỉnh đã cụ thể hóa thành các chương trình, nghị quyết, trong đó Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU về xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm tâm năng lượng, NLTT của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Xác định phát triển năng lượng, NLTT là trụ cột, động lực và một trong những ngành đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) giai đoạn 2021-2030; phát triển năng lượng, NLTT phải kết hợp hài hòa, phù hợp với chiến lược, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước gắn với triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; đẩy nhanh tiến độ hòa lưới điện dự án năng lượng chuyển tiếp và khởi công các dự án mới. Chú trọng thu hút đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng, tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối, nhà máy sản xuất hydrogen… Đảm bảo nhu cầu an ninh năng lượng, an ninh, quốc phòng, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, phát huy giá trị sử dụng đất, bảo vệ môi trường, gắn với chuyển đổi số, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng; đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn và thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng theo lộ trình quy định.
Điện gió Trung Nam (Thuận Bắc). Ảnh: B.H
Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, đồng bộ giữa nguồn và lưới điện truyền tải, phân phối theo Quyết định số 1319/QĐ-TTg. Cụ thể, đầu tư hệ thống hạ tầng truyền tải đồng bộ nhằm giảm tải công suất cho các dự án NLTT. Giai đoạn 2021-2030 xây dựng Trung tâm điện lực (sử dụng nguồn nguyên liệu LNG) với quy mô công suất 1.500MW tại khu vực cảng Cà Ná trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn tiếp theo, nghiên cứu, đề xuất phát triển thêm với công suất tiềm năng 4.500MW khi đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, nâng tổng quy mô công suất lên thành 6.000MW. Nghiên cứu, phát triển các nguồn điện có tiềm năng như nhà máy điện gió, nhà máy điện mặt trời tự tiêu, nhà máy thủy điện, thủy điện tích năng, nhà máy sinh khối, nhà máy điện rác, nhà máy địa nhiệt và nhà máy điện khí sinh học để khai thác tối đa tiềm năng sẵn có trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm điện gió, điện mặt trời Trung Nam – Thuận Bắc. Ảnh: T.D
Xây dựng mới 2 trạm 500kV tại các huyện Ninh Sơn và Thuận Nam, với quy mô tổng công suất 4.500MW; xây dựng mới 9 tuyến đường dây 500kV với tổng chiều dài 1.168km để đấu nối các trạm 500kV và các nhà máy thủy điện tích năng và các nhà máy LNG. Cải tạo nâng công suất trạm 220kV Ninh Phước, từ 1 máy biến áp lên thành 2 máy biến áp nâng tổng quy mô tổng công suất 500MW; cải tạo nâng công suất trạm 220kV thủy điện Đa Nhim từ 63MW lên thành 250MW, đồng thời bổ sung thêm 1 máy biến áp 125MW nâng tổng quy mô công suất lên thành 375MW; xây dựng mới 3 trạm 220kV với quy mô tổng công suất 1.605MW; xây dựng mới 1 trạm cắt 220kV Đa Nhim để giải tỏa nguồn điện khu vực do trạm 220kV thủy điện Đa Nhim không mở rộng được ngăn lộ 220kV. Xây dựng mới 16 tuyến đường dây 220kV với tổng chiều dài 351km để đấu nối với các trạm 220kV, các nhà máy thuỷ điện, các nhà máy điện gió và các nhà máy điện mặt trời. Cải tạo nâng cấp và xây mới các công trình đường dây và trạm 110kV để đảm bảo cấp điện cho nhu cầu phát triển của phụ tải trên địa bản tỉnh cũng như khu vực lân cận. Phát triển lưới điện cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu dân cư đô thị, các dự án năng lượng, các cơ sở KT-XH khác trên địa bàn tỉnh.
Để đạt được mục tiêu trên, Tỉnh ủy yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước. Đẩy mạnh đổi mới công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về các quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách, vị trí, vai trò, tầm quan trọng, mục tiêu, định hướng xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Xuân Bính