Ngày 8/4, đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.
Theo Sở GD&ĐT, đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có 296 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và 2 trung tâm; tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành có 10.401 người. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên (GV) mầm non, phổ thông công lập ở nhiều địa phương. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau; tình trạng thừa, thiếu GV còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương; chỉ tiêu phân bổ GV cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tuy có quan tâm đầu tư song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết. Công tác rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới trường lớp học và đội ngũ GV giai đoạn 2021-2025 thực hiện đạt 80% kế hoạch đề ra. Đến tháng 12/2023, toàn tỉnh có 159 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đạt chuẩn PCGD tiểu học, THCS và xóa mù chữ mức độ 1. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn có nhiều chuyển biến tích cực với 27 học sinh đoạt giải kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT, 1/2 dự án tham gia đoạt giải Tư cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, ngành GD&ĐT đã kiến nghị UBND tỉnh có chủ trương và bố trí vốn đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Pi Năng Tắc (Bác Ái); các sở, ngành liên quan sớm tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn còn lại theo tinh thần Kế hoạch số 228/KH-UBND, giao biên chế theo tinh thần định mức của từng cấp học và việc tổ chức dạy tiếng dân tộc thiểu số (huyện Ninh Phước)…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực, kết quả ngành GD&ĐT đạt được thời gian qua. Đồng chí chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục; đồng thời, đề nghị toàn ngành tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu năm 2024; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp và đội ngũ GV; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự của các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở GD&ĐT các cấp đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tập trung rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác GD&ĐT; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; chú trọng chất lượng giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, giáo dục mũi nhọn; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; xây dựng trường học an ninh, an toàn, môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường… Cùng với đó, ngành GD&ĐT tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng PCGD, xóa mù chữ, phân luồng học sinh sau THCS; đổi mới cơ chế tài chính, giao quyền tự chủ về tài chính, tài sản; sử dụng và quản lý có hiệu quả các nguồn đầu tư; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích xã hội đầu tư phát triển trường chất lượng cao ở các cấp học và trình độ đào tạo theo nhu cầu xã hội…
Lâm Anh