Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 22/11, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Phát biểu thảo luận tại Tổ 4, gồm các Đoàn ĐBQH: TP Hải Phòng, tỉnh Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu và Tuyên Quang, đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, cho rằng: Hoạt động giám sát là một trong ba chức năng chủ yếu của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) (Thẩm tra-Quyết định-Giám sát). Qua hơn 8 năm thi hành Luật, hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã không ngừng được đẩy mạnh, có nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng, được Nhân dân và cử tri cả nước đánh giá cao. Thông qua hoạt động giám sát, đã khẳng định tính đúng đắn, khả thi của chính sách, pháp luật; kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập.
Tuy nhiên, theo xu hướng phát triển, hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND hiện nay yêu cầu phải không ngừng được đổi mới cả nội dung lẫn hình thức, ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 là cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Ninh Thuận phát biểu thảo luận tại tổ.
Dự án Luật lần này (dự thảo lần thứ tư), sau khi được sửa đổi, bổ sung sẽ gồm 5 chương, 91 điều, thể hiện tương đối đầy đủ nội dung 5 nhóm chính sách lớn trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Cụ thể: Bổ sung nguyên tắc hoạt động giám sát; tiêu chí lựa chọn vấn đề chất vấn, chuyên đề giám sát, vấn đề được giải trình để gắn kết hoạt động giám sát với hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia và của địa phương; Sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; của HĐND, cơ quan HĐND, đại biểu HĐND và thẩm quyền trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát; Sửa đổi, bổ sung các quy định về phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát; Sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến việc bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị sau giám sát; Sửa đổi, bổ sung các quy định về sử dụng, trao đổi thông tin có liên quan trong hoạt động giám sát và các hoạt động khác; ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát
Về hồ sơ xây dựng dự án Luật, đã bảo đảm thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; cơ quan soạn thảo đã tổ chức lấy ý kiến góp ý; đã tiếp thu, giải trình, chỉnh sửa khá đầy đủ. Tuy nhiên, để hoàn chỉnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề xuất góp ý về dự án Luật một số nội dung sau, cụ thể:
Tại Điều 3 (Nguyên tắc hoạt động giám sát), nhất trí chọn phương án 2.
Tại Điều 4 (Thẩm quyền giám sát của Quốc hội), về nội dung quy định (tại điểm c, khoản 1): “Hội đồng Dân tộc thực hiện quyền giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, đề nghị chỉnh sửa thành: “Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội thực hiện và phối hợp thực hiện quyền giám sát việc thi hành các chính sách và các chương trình mục tiêu quốc gia”.
Tại điều 5 (Thẩm quyền giám sát của HĐND), tán thành với ý kiến cần bổ sung nội dung quy định về thẩm quyền giám sát của HĐND nơi tổ chức chính quyền đô thị. Nội dung này đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu và bổ sung tại Điều 5a (Giám sát của HĐND nơi tổ chức chính quyền đô thị).
Tại khoản 5, Điều 6 (Trách nhiệm của chủ thể giám sát), đề nghị chỉnh sửa thành: “Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm và báo cáo về hoạt động giám sát của mình với Đoàn ĐBQH và trước cử tri tại địa phương thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri”. Tương tự, tại khoản 9, Điều 6, đề nghị chỉnh sửa thành: “Đại biểu HĐND chịu trách nhiệm và báo cáo về hoạt động giám sát của mình với Thường trực HĐND và trước cử tri tại địa phương thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri”.
Tại Điều 7 (Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu giám sát), dự án Luật cần nghiên cứu bổ sung nội dung quy định về thời gian và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của chủ thể giám sát đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu giám sát.
Tại khoản 1, Điều 8 (Quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu giám sát), đề nghị nghiên cứu bổ sung thời hạn nhận thông báo trước về kế hoạch, nội dung giám sát, nội dung được yêu cầu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo trước khi tiến hành hoạt động giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu giám sát.
Trong Chương I (Quy định chung), ngoài những nội dung quy định từ Điều 1 đến Điều 10, cần nghiên cứu bổ sung các quy định có liên quan đến quy trình hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, thẩm quyền ban hành nghị quyết hoặc quyết định thành lập đoàn giám sát và phê duyệt kế hoạch, nội dung giám sát để đầy đủ và dễ thực hiện hơn trong thực tế.
Tại Điều 15 (Chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội), Điều 50 (Chất vấn của đại biểu Quốc hội), Điều 60 (Chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân), Điều 69 (Chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND), Điều 84 (Chất vấn của đại biểu HĐND)… đề nghị sửa các cụm từ “người bị chất vấn” thành “người được (hoặc chịu) chất vấn”.
Những nội dung: Về Giám sát chuyên đề của Quốc hội (Điều 16) và Giám sát chuyên đề của HĐND (Điều 62), đề nghị nghiên cứu có cần thiết phải bổ sung nội dung quy định có liên quan đến hoạt động giám sát đột xuất của Quốc hội và HĐND hay không?.
Tại Điều 18 (Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm) và Điều 19 (Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm), cần quy định cụ thể trong Luật các nội dung có liên quan về thời hạn, thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; Đối tượng lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm; mức độ tín nhiệm và hệ quả pháp lý của việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm như thế nào?.
Tại khoản 5, Điều 30 (Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo), tán thành phương án 2 của dự án Luật: “Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân”.
Về giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (khoản 20 Điều 1 dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung Điều 30 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân), nhiều ý kiến chọn Phương án 1 của dự thảo Luật, theo hướng bổ sung một khoản vào Điều 30 dự thảo Luật: “Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân”. Nội dung quy định tại Phương án 1 sẽ đảm bảo tính linh hoạt trong việc quy định cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phù hợp với từng nội dung, vụ việc liên quan khiếu nại, tố cáo mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
Tại khoản 5, Điều 31 (Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri), tán thành phương án 2 của dự án Luật: “Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định cơ quan có trách nhiệm, tham mưu giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri”.
Xuân Bính
Nguồn: http://baoninhthuan.com.vn/news/150511p24c34/doan-dbqh-tinh-ninh-thuan-thao-luan-tai-to-ve-gop-y-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-hoat-dong-giam-sat-cua-quoc-hoi-va-hoi-dong-nhan-dan-2015.htm