Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Bắt nhịp xu hướng này, thời gian qua, tỉnh ta chú trọng đẩy mạnh TMĐT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Theo thông tin từ Sở Công Thương, để hỗ trợ, kết nối các cơ sở sản xuất đa dạng kênh tiêu thụ và tiếp cận nhanh, hiệu quả với các ứng dụng TMĐT, đồng thời căn cứ nhiệm vụ và mục tiêu về chiến lược phát triển kinh tế số theo Kế hoạch số 2351/KH-UBND ngày 14/5/2021 của UBND tỉnh về việc phát triển TMĐT tỉnh giai đoạn 2021-2025, Sở Công Thương triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh bán hàng thông qua sàn giao dịch TMĐT uy tín trong nước, quốc tế. Nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong kết nối cung cầu sản phẩm với thị trường trong nước và quốc tế; tập huấn, bồi dưỡng, trang bị kiến thức về TMĐT, kinh doanh trực tuyến cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh cũng đã được triển khai.
Sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh. Ảnh: Minh Thương
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển TMĐT xác định công tác tuyên truyền là quan trọng, hằng năm, Sở Công Thương tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước, đội ngũ thực thi pháp luật về TMĐT; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về TMĐT, cập nhật tình hình phát triển của TMĐT trong nước và thế giới. Tổ chức khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn về TMĐT cho DN, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo các chủ đề chuyên sâu, giới thiệu tư vấn cho DN triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, quy trình kinh doanh theo các mô hình B2B và B2C, cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, cách thức quảng bá, marketing hiệu quả cho website; cách thức quảng bá tăng sự tiếp cận tới khách hàng trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, tổng hợp nhu cầu các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trên địa bàn có nhu cầu tham gia sàn giao dịch TMĐT để hỗ trợ đưa sản phẩm của DN tham gia bán hàng trên sàn TMĐT trong và ngoài nước, chuyển hình thức mua bán truyền thống sang trực tuyến nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm và giúp nhà sản xuất đến gần hơn với người tiêu dùng và các nhà phân phối trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Đồng thời, đưa các sản phẩm của tỉnh tham gia giao dịch tại các sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Voso, sàn TMĐT tỉnh Alibaba, sanphamninhthuan.vn,…. Đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ 18 DN, tổ chức và cửa hàng được áp dụng phần mềm quản lý bán hàng thông minh ứng dụng giải pháp bán hàng thông minh cho các nhà bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng, phát triển 14 bộ thương hiệu trực tuyến cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh.
Thực tế thời gian qua cho thấy, các sàn TMĐT đã hỗ trợ rất tốt cho các hộ nông dân trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Việc tham gia TMĐT đã giúp cho các hộ sản xuất nông nghiệp tìm kiếm được nhiều thị trường tiêu thụ, thúc đẩy nhanh hơn kế hoạch sản xuất, kinh doanh và ổn định sản xuất.
Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Những năm gần đây, nhờ sự tác động mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, các mô hình sản xuất, kinh doanh mới xuất hiện và làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Hình thức mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến và được người dân ưa chuộng. Trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp cận và tận dụng sức mạnh của TMĐT thông qua các sàn giao dịch lớn và uy tín là cách tốt nhất để vừa quảng bá sản phẩm, vừa thúc đẩy doanh số bán hàng và gây dựng thương hiệu. Cách làm này giúp DN, người nông dân tiết kiệm khá nhiều thời gian, công sức, chi phí.
Người dân chọn mua sản phẩm OCOP của tỉnh trên ứng dụng TMĐT. Ảnh: H.Nguyệt
Hiện nay hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh đã có sự tham gia, hưởng ứng của 92 DN, HTX, cơ sở sản xuất, với khoảng 300 sản phẩm thực hiện quảng bá, tiêu thụ trên các sàn TMĐT, từ các sản phẩm nông sản như: Nho táo, măng tây, nha đam… đến các sản phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ, du lịch lữ hành… Đặc biệt, đã có hơn 123 sản phẩm OCOP của 50 cơ sở, DN được đăng tải lên sàn TMĐT. Ngoài ra, rất nhiều sản phẩm còn được tiêu thụ trên các kênh mạng xã hội như Fanpage, Facebook, Zalo… Sản lượng tiêu thụ qua các sàn TMĐT trung bình chiếm 25-30% sản lượng tiêu thụ của các DN, cơ sở sản xuất.
Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), cho biết: Nếu như trước đây, nho táo tươi và các sản phẩm chế biến từ nho như: Rượu, mật nho, nho khô chỉ được tiêu thụ tại các điểm tham quan vườn nho tại thôn Thái An và các cửa hàng trong tỉnh thì nay khách hàng ở khắp mọi nơi đều có thể cập nhật được thông tin và chất lượng sản phẩm thông qua những thao tác đơn giản, khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm, đặt mua trên sàn TMĐT. Bên cạnh đó, HTX cũng mở rộng quảng bá sản phẩm thông qua nhiều kênh online, như: Zalo, Facebook, các trang TMĐT khác nên 3-5% sản lượng sản phẩm của HTX được tiêu thụ thông qua kênh phân phối hiện đại này. Đây không những là kênh bán hàng hiệu quả, mà chúng tôi còn có thể cập nhật được thông tin, phản hồi của khách hàng, từ đó rút kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế để nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Để đưa TMĐT trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến hơn nữa, thời gian tới Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kỹ năng ứng dụng TMĐT cho người dân và DN trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao trình độ tham gia và khai thác các ứng dụng TMĐT của DN. Đồng thời, tăng cường khả năng nhận biết và ứng phó của người tiêu dùng với những hành vi tiêu cực trong TMĐT; khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi số trong các DN nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ số nhằm cải tiến mô hình sản xuất, kinh doanh của DN.
Hồng Nguyệt