Tiếp tục chương trình kỳ họp, 8h00 sáng 22/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Ninh Thuận tán thành cao với Báo cáo số 665 ngày 24/10/2023 về Kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội từ 01/8/2022 đến 31/7/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình ra Quốc hội.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương bày tỏ tán thành cao với những nhận định của Báo cáo: “Thông qua việc thực hiện công tác dân nguyện, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội, những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi chính sách, pháp luật trên thực tiễn đã được phản ánh kịp thời để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, giải quyết; nhiều vụ việc phức tạp, đông người đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, đã củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và thể hiện được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH với cử tri và Nhân dân.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại hội trường.
Bên cạnh đó Báo cáo đã phản ánh rõ nét về những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế của từng việc đối với từng đối tượng; các số liệu phản ánh được nêu khá cụ thể. Tuy nhiên, để giải quyết các hạn chế, khó khăn được báo cáo nêu, thì mới chỉ là những kiến nghị, đề xuất. Tại Báo cáo thẩm tra số 2278 ngày 21/10/2023 của Ủy ban Pháp luật Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023, tại trang 13, có đánh giá: “một số hạn chế, bất cập và nguyên nhân là những vấn đề tồn tại từ nhiều năm và đã được nêu trong Báo cáo của Chính phủ các năm trước, được Ủy ban Pháp luật chỉ ra trong các báo cáo thẩm tra hằng năm song đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để”. Về vấn đề này, Uỷ ban pháp luật cũng đưa ra minh chứng rất cụ thể tại các phụ lục đính kèm báo cáo. Thật sự nêu hạn chế này, tôi thấy cũng rất băn khoăn”, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nêu ý kiến.
Vì vậy, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương mong muốn Quốc hội ban hành nghị quyết quy định giao nhiệm vụ cụ thể để sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế đã được chỉ rõ, nhưng bị kéo dài, chậm giải quyết, để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Qua đó cũng là cơ sở để ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội và công dân có điều kiện tập trung giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của các đối tượng được Quốc hội giao. Theo đó, cũng đề nghị quy định sửa đổi các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH. Tại báo cáo cũng đã chỉ rõ 3 nghị quyết: Nghị quyết số 288 của Ủy ban thường vụ Quốc hội từ khoá 10, năm 1999; Nghị quyết số 694 của Ủy ban thường vụ Quốc hội từ khóa 12, năm 2008; Nghị quyết số 759 của Ủy ban thường vụ Quốc hội từ khóa 13 năm 2014. Các Nghị quyết này đã ban hành cũng lâu. Việc đề nghị sửa đổi, bổ sung 3 Nghị quyết này cũng được kiến nghị nhiều.
Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, nghị quyết của Quốc hội cũng cần quy định giao nhiệm vụ, thời gian cụ thể để các nghị quyết này sớm được nghiên cứu sửa đổi thành 1 nghị quyết thống nhất các quy định để thuận trong áp dụng, thực hiện thống nhất. Khi rà soát, nghiên cứu, sửa đổi các quy định của pháp luật, cần quan tâm nghiên cứu quy định cụ thể hơn về công tác xử lý đối với đơn thư do công dân ngoài tỉnh gửi đến ĐBQH, Đoàn ĐBQH; thực trạng báo cáo cũng đã chỉ ra loại đơn này đã gửi đến nhiều ĐBQH, Đoàn ĐBQH. Đề nghị cần rà soát quy định cụ thể hơn để đảm bảo cơ chế cho ĐBQH, Đoàn ĐBQH xử lý đối với loại đơn này một cách thống nhất, nhằm đảm bảo yêu cầu, quyền lợi chính đáng của công dân.
Cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn về cơ chế xử lý đối với các loại đơn thư của công dân gửi đến ĐBQH, Đoàn ĐBQH kiến nghị xem xét, yêu cầu/đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết lại đối với những bản án, Quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng; các vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã lâu, đã phù hợp với quy định của pháp luật, được rà soát, trả lời nhiều lần nhưng công dân vẫn chưa đồng ý, công dân tiếp tục theo đuổi, đề nghị ĐBQH, Đoàn ĐBQH cần đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết lại (vì công dân cho rằng ĐBQH, Đoàn ĐBQH có quyền kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết lại).
Để đảm bảo cơ chế, quy định pháp luật cho ĐBQH, đoàn ĐBQH xử lý tốt đối với loại đơn thư này thì cũng cần rà soát, nghiên cứu, xem xét quy định cụ thể đảm bảo cơ chế cho ĐBQH, Đoàn ĐBQH thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; quy định pháp luật cụ thể cũng là điều kiện để công dân chia sẻ, đồng thuận với việc xử lý đơn thư của ĐBQH, Đoàn ĐBQH.
PV