Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 24/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Tạo hành lang pháp lý đối với lực lượng cảnh vệ
Thảo luận tại tổ, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, công tác cảnh vệ đã hình thành ngay khi mới thành lập Đảng để bảo vệ cán bộ chủ chốt từ khi chưa giành được chính quyền. Rõ nét nhất là khi Bác Hồ trở về nước năm 1941, các lực lượng đã tiến hành công tác cảnh vệ để bảo vệ Bác cũng như lãnh đạo chủ chốt, nòng cốt của Đảng.
Đến nay, các lực lượng đã trưởng thành rất nhiều, luôn đảm bảo an toàn cho lãnh đạo trong suốt quá trình công tác. Việc quy định trong luật pháp nhằm tạo hành lang pháp lý để các lực lượng chức năng tiến hành triển khai, các cơ quan phối hợp thực hiện và phổ biến trong nhân dân. Công tác cảnh vệ được xác định, không ai bảo vệ tốt bằng nhân dân. Họ là những người che chở, bảo vệ tốt nhất và vững bền nhất.
Chủ tịch nước nêu, lực lượng cảnh vệ phải bảo đảm rất nhiều yêu cầu, trước hết là an ninh, an toàn cho lãnh đạo. Bên cạnh đó công tác cảnh vệ còn mang ý nghĩa lễ tân, nghi thức, thể diện quốc gia về mặt đối ngoại và hợp tác quốc tế, nhất là khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước công tác ở nước ngoài hoặc ngược lại.
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Hậu Giang thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
“Trong thời gian qua, lực lượng cảnh vệ triển khai rất tốt, gần như không có sự cố nào, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và trưởng thành lên rất nhiều. Đặc biệt, lãnh đạo các quốc gia đánh giá rất cao, dành nhiều tình cảm và sự cảm phục đối với lực lượng cảnh vệ của chúng ta. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật nhằm hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu thực tiễn”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh, đảm bảo đủ các điều kiện, báo cáo Quốc hội có thể sớm thông qua.
Đối với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Chủ tịch nước cho biết, khác với các nước khác, chúng ta có một xã hội an toàn, không có súng, không có vũ khí hay công cụ đe dọa an toàn, an ninh bất cứ người dân nào. “Đây là sự tiến bộ rất lớn của xã hội. Khách nước ngoài đến Việt Nam đều cảm thấy rất an toàn”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, còn có nơi hình thành các băng nhóm đe dọa lẫn nhau bằng cách sử dụng dao hoặc công cụ chưa quản lý được. Theo các báo cáo, những vụ đâm chém nhau chủ yếu là dùng dao nhưng chưa được đưa vào thiết chế theo luật, xử lý rất khó.
“Có ý kiến cho rằng, dao sử dụng để phục vụ cho đời sống dân sinh, điều này là đúng và bình thường, song tránh lợi dụng, sử dụng dao không đúng mục đích. Có trường hợp, hàng chục người có dao, mã tấu để trong cốp xe – không thể nói là phục vụ cho sản xuất. Đây là những hành vi phải nghiêm cấm, kể cả lưu giữ cũng không được. Vấn đề này có những ranh giới nhưng cần có cách thức quản lý để xây dựng xã hội an toàn, mọi người dân không bị đe dọa”, Chủ tịch nước khẳng định.
Xác định rõ “trường hợp cần thiết” áp dụng biện pháp cảnh vệ
Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, chủ trương, quan điểm của Đảng về tổ chức hoạt động của lực lượng công an nhân dân nói chung, lực lượng cảnh vệ nói riêng, nhất là Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Cho rằng dự thảo luật có nhiều nội dung liên quan đến Luật Công an nhân dân; Luật Cảnh sát cơ động; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị, Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát các quy định trong dự thảo, nhất là nội dung sửa đổi để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với luật liên quan.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) nêu: “Để tiến hành sửa đổi luật này, phải rà soát 31 văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đề nghị Ban Soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khi sửa đổi, bổ sung dự thảo luật”.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, theo dự thảo luật, việc bổ sung thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cần thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định, “còn chung chung”; cần nghiên cứu để xác định cụ thể trường hợp nào là cần thiết, quy định chặt chẽ trong luật, xác định rõ ràng trong luật để đảm bảo yêu cầu hiến pháp.
Cần quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ
Góp ý tại tổ về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đại biểu Lê Nhật Thành (Hà Nội) đề nghị quy định dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, khi sử dụng nhằm mục đích xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người; từ đó có căn cứ xử lý đối với tội phạm sử dụng loại dao này gây án.
Đại biểu cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm qua, toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ trên 16.000 vụ với khoảng 26.000 đối tượng sử dụng các loại dao và công cụ, phương tiện tương tự dao để gây án. “Như vậy, tội phạm sử dụng các loại dao và phương tiện có khả năng gây sát thương tương tự dao gây án chiếm tỷ lệ rất cao, trong đó nhiều vụ là các băng, nhóm đối tượng có tổ chức gây án với tính chất rất manh động. Nhiều vụ gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân”, đại biểu Lê Nhật Thành nói.
Tuy nhiên, các vụ án này chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì luật hiện hành không quy định dao, phương tiện tương tự dao là vũ khí.
“Vì vậy, cần thiết phải quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ để kịp thời ngăn chặn hành vi nguy hiểm của đối tượng ngay từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc định hướng hành vi của đối tượng”, đại biểu Lê Nhật Thành đề nghị.
Cho rằng việc bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ là cần thiết, đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Cần Thơ) giải thích, các loại dao có tính sát thương cao, nguy hiểm do các doanh nghiệp, người dân sản xuất, kinh doanh, mua bán chưa được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ. Trong khi đó, một người có thể dễ dàng mua hoặc tự chế tạo ra các loại dao có tính sát thương cao để sử dụng gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, gây mất an ninh, trật tự.
Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức cho rằng cần nghiên cứu thêm khi xây dựng khái niệm về vũ khí để Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra tính toán, xây dựng khái niệm chuẩn nhất, có thể bao quát các loại vũ khí gây nguy hiểm, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người.
Nguồn TTXVN/Báo Tin tức