Chiều 28/8, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Báo cáo một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCN&MT) Lê Quang Huy cho biết, tại Phiên họp lần thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và giao UBKHCN&MT chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Thường trực UBKHCN&MT cho rằng Luật Tài nguyên nước sửa đổi theo 4 nhóm chính sách lớn, đảm bảo quản lý toàn diện về nước từ bảo vệ, phát triển, điều hòa, phân phối, đến khai thác, sử dụng và phòng chống tác hại do nước gây ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Để tránh chồng chéo, kế thừa Luật Tài nguyên nước hiện hành, dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề chung nhất về khai thác, sử dụng nước ở giác độ bảo đảm nguồn nước. Còn việc khai thác, sử dụng nước trong từng lĩnh vực, phạm vi cụ thể sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên có tính chất lý, hóa đặc biệt, có giá trị kinh tế cao hơn nước thông thường nên cần có yêu cầu quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ như một loại tài nguyên, khoáng sản có giá trị kinh tế cao; hiện loại nước này đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản. Do đó, không bổ sung 2 loại nước này trong phạm vi điều chỉnh của Luật để tránh xáo trộn. Đây cũng là phương án Chính phủ trình Quốc hội.
Về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước, có ý kiến đề nghị bên cạnh quản lý tiền kiểm qua công cụ cấp phép, cần tăng cường hậu kiểm bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phù hợp với đối tượng quản lý “động và mềm”; bổ sung một điều quy định mang tính nguyên tắc về bảo vệ nguồn nước mặt. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung quy định nội dung quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, bổ sung riêng một Điều 22 quy định về bảo vệ nguồn nước mặt.
Về điều hòa, phân phối tài nguyên nước, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về căn cứ, nguyên tắc, giải pháp điều hòa, phân phối tài nguyên nước thông qua biện pháp công trình, giải pháp phi công trình; bổ sung quy định dự báo khí tượng, thuỷ văn, xu thế diễn biến theo các thời kỳ trong năm nhằm chủ động kịch bản điều hòa, phân phối, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên khai thác, sử dụng nước; bổ sung trách nhiệm các bộ, UBND tỉnh trên lưu vực sông trong điều hòa, phân phối tài nguyên nước.
Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Thường trực UBKHCN&MT thấy rằng, để tránh chồng chéo trong quản lý nước sinh hoạt, Luật Tài nguyên nước chỉ quy định một số nguyên tắc về yêu cầu quản lý và đảm bảo chất lượng, số lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt tại Điều 27 và Điều 44 dự thảo Luật. Còn các nội dung cụ thể về khai thác nước cho sinh hoạt sẽ được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện theo pháp luật chuyên ngành về cấp thoát nước.
Có ý kiến cho rằng việc cấp nước cho sinh hoạt cần quy định sát thực tiễn, ngoài những nhà máy nước tập trung thì vẫn phải kết hợp với những trạm cấp nước quy mô nhỏ để đảm bảo phù hợp điều kiện ở nông thôn; tách hai chủ thể khai thác và sử dụng tài nguyên nước để có quy định quản lý phù hợp.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được bổ sung quy định việc cấp nước sinh hoạt ở cả hai quy mô cấp nước tập trung kết hợp với phân tán tại khoản 3 Điều 44 và tách riêng nội dung quy định về khai thác và sử dụng tài nguyên nước, thể hiện như tại mục 2, Chương IV của dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, Thường trực UBKHCN&MT cũng đã tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐBQH liên quan đến sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; Công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước (Chương VI); Về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước và về tổ chức lưu vực sông.
Đóng góp ý kiến về Điều 22 dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng cần bảo vệ nguồn nước ngầm để bảo vệ an ninh nguồn nước. Ngoài ra, việc bảo vệ, chống cạn kiệt nguồn nước mặt cũng cần được quan tâm hơn, đồng thời cũng cần chú ý đến công tác bảo vệ an toàn hồ đập, tăng khả năng chịu tải của hồ đập nhằm đảm bảo an toàn cho Nhân dân ở vùng lũ…
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, ở Điều 22 nên chi làm 2 phần. Một là, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, chống ô nhiễm nguồn nước. Hai là, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt chủ động, tích cực lưu giữ nguồn nước mặt như xây hồ đập, tích trữ nước mưa…
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần sửa đổi khoản 2 của dự thảo Luật theo hướng đảm bảo lưu thông dòng chảy, làm rõ việc tăng khả năng chịu tải của nguồn nước. Mặt khác, cần nhấn mạnh giá trị và việc đảm bảo hồ đập trong việc trữ nước, làm thủy điện, phòng chống lũ lụt, xả lũ; xây dựng nhiều vị trí tháo nước, xả lũ phân tán ở nhiều phía, nhiều vùng, nhiều tỉnh…
Cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho biết, đây là vấn đề đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau, tập trung vào việc có nên đưa nước nóng, nước khoáng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của luật. Đại biểu nêu quan điểm, không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh luật Tài nguyên nước với nước nóng, nước khoáng thiên nhiên. Về bản chất, nước nóng, nước khoáng thiên nhiên là khoáng sản, có nguồn gốc hình thành từ hoạt động nội sinh trong lòng đất, có thành phần khoáng chất và tính chất hóa học, lý học, độ tinh khiết nguyên thủy ổn định theo thời gian.
Vì tính chất tự nhiên của hai nguồn nước này, đại biểu cho rằng, trên thế giới và cả ở Việt Nam hiện nay, đây được coi là khoáng sản và đang được quản lý, khai thác, vận hành có hiệu quả trong việc phục vụ phát triển y học cũng như kinh tế – xã hội. Vì xác định đây là khoáng sản, nên hiện nay nước nóng, nước khoáng thiên nhiên đang được điều chỉnh bởi Luật Khoáng sản, đang được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy trình chặt chẽ như đối với các khoáng sản khác. Ngay ở khâu thăm dò cũng phải có giấy phép thăm dò, trong quá trình thăm dò phải thiết lập vành đai bảo vệ, khi khai thác, các chủ thể phải đáp ứng nhiều nhóm điều kiện, tiêu chí cụ thể như ưu tiên sử dụng nguồn lao động tại chỗ ở địa phương, có trách nhiệm, nghĩa vụ phải phối hợp, hỗ trợ địa phương xây dựng các công trình phúc lợi…
Ngoài ra, nếu đưa nước nóng, nước khoáng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước, áp dụng cơ chế quản lý của Luật Tài nguyên nước thì sẽ không phù hợp về bản chất, đồng thời cũng gây nguy cơ gây thất thoát nguồn tài nguyên có giá trị kinh tế cao này.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các ĐBQH hoạt động chuyên trách đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật, xin ý kiến các cấp, các ngành, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, UBTVQH để hoàn thiện dự thảo luật trình Hội nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời đóng góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật, cụ thể về phạm vi điều chỉnh của luật, tính tương thích, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, việc phân bố tài nguyên nước, đăng ký cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, tái sử dụng nước, bảo tồn tài nguyên nước…
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội có báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến của các đại biểu để gửi các cơ quan chuyên môn nghiên cứu tiếp thu trên cơ sở sự tham gia của các đoàn ĐBQH, các cơ quan chức năng. UBTVQH sẽ phối hợp, chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến thảo luận, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật theo đúng quy định, trình Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Theo TTXVN/Báo Tin tức