Hiện nay, tình hình thời tiết nắng nóng ngày càng gay gắt ảnh hưởng đến chăn nuôi. Để ứng phó với nắng hạn, bảo vệ đàn gia súc (GS), nhiều hộ chăn nuôi ở huyện miền núi Bác Ái đã chủ động trồng cỏ, dự trữ thức ăn khô và bổ sung dưỡng chất cho đàn GS nhằm duy trì ổn định đàn vật nuôi.
Mặc dù đang trong cao điểm của mùa khô nhưng đàn bò và đàn dê 24 con của gia đình anh Kadá Khôi ở thôn Ma Ty, xã Phước Thắng vẫn đủ thức ăn. Anh Khôi chia sẻ: Trước đây đàn GS của gia đình chủ yếu chăn thả ngoài tự nhiên, vào mùa khô thiếu thức ăn làm suy giảm thể trạng. Hai năm trở lại đây, tận dụng nguồn nước ở các hồ đập tôi quyết định trồng 1 sào cỏ voi để bổ sung thức ăn tươi cho đàn GS. Bên cạnh đó, vào mùa khô tôi phân loại GS để có cách chăm sóc phù hợp, những con bị suy giảm thể trạng sẽ được chuyển sang nuôi nhốt và có chế độ dinh dưỡng riêng. Nhờ vậy, đàn GS phát triển bình thường.
Cũng như gia đình anh Khôi, nhờ chủ động nguồn thức ăn tươi và dự trữ rơm khô, thân cây bắp nên đàn bò và dê 9 con của gia đình ông Katơr Lơn ở thôn Đồng Dày, xã Phước Trung sinh trưởng tốt. Ông Lơn cho biết: Vào mùa khô đàn GS thường bị suy kiệt do thiếu thức ăn và phát sinh bệnh ký sinh trùng, sán lá gan… Đầu năm 2024, tôi đã bán bớt 4 con bò đực, xây dựng lại chuồng trại đúng quy cách, trồng thêm cỏ voi làm thức ăn tươi cho đàn GS. Bên cạnh đó, còn dự trữ thêm rơm khô, cám gạo, mật đường để bổ sung dưỡng chất cho vật nuôi, nhờ vậy đàn GS phát triển bình thường.
Nhờ chủ động nguồn thức ăn xanh nên đàn gia súc của gia đình anh Kadá Khôi ở thôn Ma Ty phát triển tốt trong mùa khô.
Chăn nuôi là nguồn thu nhập chính của người dân huyện miền núi Bác Ái. Tuy nhiên, vào mùa khô hoạt động chăn nuôi gặp khó khăn do thiếu thức ăn cho đàn GS. Nhằm giúp bà con thay đổi tập quán chăn nuôi, vài năm trở lại đây, huyện Bác Ái thường xuyên phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi để người dân áp dụng vào thực tế. Qua đó, nhiều hộ nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, kịp thời phát hiện các loại bệnh trên đàn GS để chủ động điều trị.
Bên cạnh đó, nhằm giúp người dân nâng cao hiệu quả chăn nuôi, một số xã đã triển khai mô hình “Mỗi gia đình một chuồng nuôi nhốt, kết hợp trồng cỏ chăn nuôi GS”. Mô hình thu hút sự tham gia của nhiều hộ dân ở các địa phương. Qua đó, giúp bà con thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, góp phần cải thiện chất lượng đàn bò, bảo vệ môi trường xanh, sạch ở địa phương. Ông Đạo Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trung, cho biết: Xã tích cực tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi thực hiện các giải pháp để giảm tối đa khả năng GS suy dinh dưỡng trong mùa khô, trong đó chú trọng trồng cỏ, dự trữ đủ thức ăn và bổ dung dưỡng chất cho GS để duy trì ổn định đàn. Nhờ đó, hiện nay đàn GS trên địa bàn xã phát triển ổn định.
Hiện nay tổng đàn GS có sừng ở huyện Bác Ái hơn 43.840 con; trong đó, trâu trên 1.690 con, bò trên 24.800 con, dê, cừu hơn 17.840 con. Với sự chủ động của người dân trong dự trữ nguồn thức ăn và chăm sóc đúng kỹ thuật ngay từ đầu mùa khô đến nay nên đàn GS không bị hao hụt, phát sinh dịch bệnh.
Kha Hân