Sáng 20/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo.
Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Chamaléa Thị Thủy, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo, điều này nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, để hoàn thiện Luật Nhà giáo, đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị xem xét bổ sung một số điểm sau:
Thứ nhất, về khái niệm “Nhà giáo”: Tên gọi của dự án Luật là Luật Nhà giáo, nhưng khái niệm thế nào là “Nhà giáo”, chưa thấy dự thảo Luật thể hiện cụ thể tại Điều 4 về giải thích từ ngữ; đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị phải quy định rõ khái niệm về nhà giáo trong luật để đảm bảo tính nhất quán, giúp mọi người hiểu luật theo cùng một cách, tránh cách hiểu khác nhau về cùng một từ “nhà giáo”, tăng tính minh bạch, giảm thiểu khả năng xảy ra tranh cãi về ý nghĩa của luật; để khi nói đến nhà giáo là chúng ta hình dung ngay chủ thể được gọi là nhà giáo gồm những ai, khái quát đặc trưng như thế nào để được gọi là nhà giáo.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận phát biểu thảo luận tại hội trường.
Thứ hai, về hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo: Tại khoản 1, Điều 7 quy định: “Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo là hoạt động đặc biệt, có tính chuyên nghiệp, sáng tạo; có sản phẩm là phẩm chất, năng lực của người học; giúp người học phát triển toàn diện được thực hiện thông qua việc dạy học, tổ chức, hướng dẫn, tư vấn học tập, rèn luyện và nêu gương cho người học”. Quy định như trên chưa bao hàm hết các hoạt động của “nhà giáo”. Hoạt động nghề nghiệp của “nhà giáo” cần được xem xét trên tổng thể của quá trình hoạt động của một “nhà giáo” trong quá trình làm việc của mình. Nó bao gồm quá trình giảng dạy, hướng dẫn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng và giá trị đạo đức cho người học; ngoài ra, nó còn bao gồm cả quá trình cộng tác với đồng nghiệp, tham gia các hoạt động quản lý của một “nhà giáo” (tham gia quản lý lớp học, tham gia các cuộc họp của tổ bộ môn …). Bên cạnh đó, cũng cần phải xem lại cơ sở khoa học và thực tiễn của nội dung “có sản phẩm là phẩm chất, năng lực của người học”. Vì nếu quy định như vậy, thì hoạt động của nhà giáo phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng về sản phẩm là “phẩm chất, năng lực của người học”, nhưng thực tế thì điều này rất khó. Bởi vì, “phẩm chất, năng lực của người học” sẽ được tạo nên bởi nhiều yếu tố mà tựu trung lại gồm 3 yếu tố chính là: Gia đình, Nhà trường và xã hội. Trong đó, vai trò quyết định chính để tạo nên phẩm chất, năng lực của người học chính là nền tảng giáo dục gia đình của người học, sự đầu tư về tinh thần và vật chất của gia đình người học. Nhà trường góp phần nhưng cũng không phải là yếu tố quyết định tạo nên sản phẩm là phẩm chất, năng lực của người học. Vì vậy, đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị xem xét, điều chỉnh lại nội dung khoản 1, Điều 7 nêu trên.
Thứ ba, về những việc nhà giáo không được làm: Tại điểm c, khoản 2, Điều 11 quy định về việc không được “Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức”. Theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy quy định này là cần thiết, tuy nhiên, nội dung này đã được quy định tại khoản 5 Điều 22 của Luật giáo dục (Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền). Ngoài ra, cần phải nhìn nhận thật bao quát, thấu đáo về vấn đề này để quy định sao cho cụ thể, phù hợp. Bởi trong thực tế, việc dạy thêm là nhu cầu có thật của giáo viên và học thêm cũng là nhu cầu có thật của học sinh, nhất là ở các đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển thì các cháu càng được gia đình đầu tư học tập. Không chỉ các cháu học chưa tốt mới phải đi học thêm, mà học sinh có năng lực học tập tốt vẫn rất có nhu cầu học thêm, nhằm nâng cao hơn ngoài kiến thức cơ bản chung ở lớp học, nhất là các cháu có nguyện vọng thi vào trường chuyên, thi học sinh giỏi các cấp và thi vào các trường đại học thuộc Top đầu… thì nhu cầu tìm đến các thầy cô giáo giỏi để được học thêm là có thật. Cho nên, nếu như cho rằng việc tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên để giải quyết vấn đề dạy thêm vẫn còn chủ quan, chưa thật sự phù hợp với thực tế cuộc sống.
Vì vậy, trong Luật này, đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị cần làm rõ các hình thức ép buộc (Ví dụ: ép buộc bằng lời nói, hành động, gây áp lực tinh thần, tạo tâm lý sợ hãi, sử dụng các hình thức kỷ luật, phân biệt đối xử…) nhằm tránh việc quy định lại nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác và giải quyết thấu đáo tình trạng tiêu cực trong việc dạy thêm, học thêm.
Thứ tư, về chế độ, chính sách đối với nhà giáo: Đại biểu Chamaléa Thị Thủy thống nhất với chủ trương về việc cần phải luôn xem giáo dục là quốc sách trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước nên việc cần phải chăm lo về chế độ, chính sách, tôn vinh đội ngũ làm công tác giáo dục là cần phải được chú trọng. Thời gian qua, một số chính sách về hỗ trợ học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên sư phạm đã phát huy tác dụng rất tốt, đã thu hút nhiều học sinh giỏi tham gia thi vào ngành sư phạm, chất lượng đầu vào của ngành sư phạm ngày càng tăng, mức độ cạnh tranh vào ngành sư phạm cũng rất “khốc liệt” như chúng ta đã thấy trong các mùa tuyển sinh thời gian qua, đã hết cái thời “chuột chạy cùng sào, mới vào sư phạm”. Đầu vào ngành sư phạm thời gian qua đã ngày càng tốt hơn thì vấn đề đặt ra ở đây là đầu ra. Chính sách như thế nào để các thầy, cô giáo ra trường có được công việc, sống được bằng nghề, theo được đam mê nghề nghiệp, như vậy ngày càng thu hút người tài.
Tuy nhiên, để thực hiện được các chế độ, chính sách được đề ra tại dự thảo Luật và dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo thì phải căn cứ vào nguồn lực ngân sách có đảm bảo thực hiện được hay không, phải có đánh giá tác động chính sách thật kỹ, đồng thời chính sách nếu có ưu tiên hơn thì cũng nên đặt trong mối tương quan hài hoà với các đội ngũ trí thức, lực lượng lao động khác của xã hội, những người cũng hưởng lương từ ngân sách nhà nước (ví dụ như trong đợt chất vấn vừa qua đối với lĩnh vực Y tế, chúng ta cũng đã nghe thấy tư lệnh Ngành nói lên những khó khăn của ngành Y tế, nhất là khó khăn của Y tế công. Đội ngũ này học hành rất vất vả, tốn kém, phải làm việc trong môi trường không tốt vì là người có bệnh, là bệnh nhân… nên đội ngũ này cũng rất cần được quan tâm về chế độ, chính sách…). Vì thế, theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy cho rằng dự thảo Luật cần rà soát lại, nên chăng, cần quy định quan tâm trước đến đội ngũ nhà giáo đang làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; giáo viên mầm non; giáo viên dạy cho các đối tượng khuyết tật.
Xuân Bính
Nguồn: http://baoninhthuan.com.vn/news/150435p1c24/doan-dbqh-tinh-ninh-thuan-tham-gia-thao-luan-ve-du-thao-luat-nha-giao.htm