Theo chương trình kỳ họp, ngày 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Thảo luận tại hội trường, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Ninh Thuận tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật Điện lực; đồng thời, đề nghị bổ sung các quy định nhằm cải cách thị trường điện hiện đại, xứng tầm.
Tham gia góp ý dự thảo luật chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực tại Điều 5, Dự thảo luật quy định có 15 khoản, đưa ra rất nhiều chính sách phát triển điện lực cho từng lĩnh vực… Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng, quy định như vậy là dàn trải, e rằng không đảm bảo nguồn lực của Nhà nước để thực hiện hết các chính sách được quy định tại dự thảo luật. Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát quy định khái quát các chính sách chung; cần tính toán đảm bảo tính khả thi để quy định của pháp luật phải đi vào cuộc sống, phải được thực hiện nghiêm minh.
Tiếp theo, sửa đổi một số điều của luật điện lực kỳ này, cơ quan soạn thảo đưa vào quy định về chính sách phát triển điện hạt nhân; theo đó cơ quan soạn thảo quy định chỉ có 1 khoản, khoản 14, điều 5, với 5 điểm đưa ra nhiều quy định về phát triển điện hạt nhân, như về: Quy hoạch phát triển điện hạt nhân; về đối tượng đầu tư; về xây dựng, vận hành, chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân; quy định về sử dụng công nghệ của dự án điện hạt nhân. Tất cả các quy định này chỉ nêu hàm ý có vài dòng, còn quy định cụ thể được thực hiện như thế nào thì không rõ.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Ninh Thuận phát biểu thảo luận tại hội trường.
Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, phát triển Điện hạt nhân, đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhận mà chỉ quy định có mấy điểm, tại 1 khoản ở 1 Điều như vậy thì rất lo ngại. Nghiên cứu báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội thẩm tra, xác định đây là vấn đề mới được quy định tại dự thảo Luật lần này và Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội có đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định quy định các nội dung tại khoản 14; cần liều lượng nội dung và mức độ quy định tại dự thảo Luật.
Tiếp theo, tại điểm đ khoản 14 Điều 5 dự thảo luật quy định: ”Tuỳ thuộc tình hình kinh tế, xã hội từng thời kỳ và dự án cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế đặc thù để đảm bảo triển khai đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân có hiệu quả”. Như vậy, theo quy định tại điểm này thì giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội không bàn về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Vì vậy, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị Quốc hội cần xem xét quy định này. Nghiên cứu Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội, thẩm tra khẳng định việc này là không phù hợp về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và không phù hợp với Điều 20 Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (Điều 20: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định để quy định: Biện pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, chế độ làm việc với các thành viên Chính phủ, chính quyền địa phương và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; Biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các thành viên Chính phủ; kiểm tra hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước). Đại biểu Hương đề nghị Quốc hội quan tâm xem xét quy định này.
Cũng theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, để việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” năm 2050. Đề nghị cần nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về Điện hạt nhân đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất; quy định các cơ chế, chính sách đặc thù để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân sao cho thành công, đạt hiệu quả cao. Đề nghị, cần xác định lộ trình phát triển điện hạt nhân cụ thể, tránh làm lãng phí nguồn lực nhà nước đã đầu tư, nguồn lực đất đai tại 02 vị trí mà năm 2009 Quốc hội đã có Nghị quyết chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2. Bảy năm sau, năm 2016, Quốc hội ban hành Nghị quyết dừng chủ trương đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Vào tháng 12/2023 Quốc hội, chính phủ phân bổ vốn cho Ninh Thuận để xây dựng cơ sở hạ tầng ổn định đời sống của Nhân dân 2 vùng dự án. Việc đầu tư phát triển Điện hạt nhân, đề nghị cần có chủ trương thống nhất, triển khai thực hiện bảo đảm nhất quán, đồng bộ, hiệu quả, tạo niềm tin cho Nhân dân.
Kết thúc phát biểu thảo luận, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nhấn mạnh, Ninh Thuận có tiềm năng về phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo, đã được Chính phủ xác định là Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 và năng lượng, năng lượng tái tạo là ngành trụ cột quan trọng số 1 của tỉnh trong Quy hoạch tỉnh; trong quá trình triển khai chiến lược phát triển điện, cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng Ninh Thuận thành “Trung tâm công nghiệp xanh, sạch” nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho Ninh Thuận cũng như cho Quốc gia trong phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian đến.
Xuân Bính
Nguồn: http://baoninhthuan.com.vn/news/150215p24c34/quoc-hoi-thao-luan-tai-hoi-truong-ve-du-thao-luat-dien-luc-sua-doi.htm