Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong và ngoài tỉnh đã chung tay, huy động nguồn lực trợ giúp người nghèo Ninh Thuận vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
Phong trào không chỉ nhân lên giá trị truyền thống đoàn kết, “tương thân, tương ái” của dân tộc mà còn tạo động lực giúp hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn sớm ổn định cuộc sống, giúp địa phương hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV).
Vào cuộc quyết liệt
Nhìn lại thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị – xã hội trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp GNBV; đầu tư về hạ tầng, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là ở những vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong 3 năm (2022-2024), tỉnh đã phân bổ 981,46 tỷ đồng nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kết cấu hạ tầng KT-XH vùng đồng bào dân tộc miền núi được quan tâm đầu tư xây dựng; việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ sản xuất, giao rừng khoán quản kết hợp với sinh kế được quan tâm thực hiện; các chính sách hỗ trợ học nghề, quỹ quốc gia về việc làm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, người lao động nhất là người đồng bào dân tộc miền núi có điều kiện tham gia, góp phần tăng thu nhập, GNBV. Tính tự ti, ỷ lại của người dân giảm; ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu đang trở thành phong trào thi đua trong nhân dân.
Chị Mang Thị Gái, thôn Núi Ngỗng, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) phát triển chăn nuôi từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ảnh: Kim Thùy
Song song với công tác xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, hỗ trợ người nghèo về nhà ở, phương tiện sản xuất, tạo động lực để người nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quan tâm lãnh đạo, phối hợp; hỗ trợ khám, chữa bệnh và mua thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo đa chiều không thiếu hụt về bảo hiểm y tế, hỗ trợ khó khăn đột xuất, hỗ trợ phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 11 tỷ đồng. Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phối hợp xây dựng, triển khai thực hiện nhiều mô hình hiệu quả, tạo sinh kế giúp người dân thoát nghèo bền vững. Bước đầu đã xây dựng được 71 mô hình, tổng kinh phí thực hiện trên 47,619 tỷ đồng. Phối hợp thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo tết cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người dân có hoàn cảnh khó khăn…
Với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, cùng công tác phối hợp tiếp nhận, điều phối, phân bổ các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo kịp thời, đúng quy định, đúng đối tượng, qua đó góp phần giảm hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2023 còn 4,21% (7.874 hộ) và hộ cận nghèo 4,61% (8.620 hộ). Bình quân mỗi năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới từ 1,5-2%/năm, giảm từ 4,5% đến trên 5% ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đạt và vượt nghị quyết đại hội đề ra. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, góp phần thúc đẩy KT-XH tỉnh phát triển.
Đích đến giảm nghèo bền vững
Nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: H.Lâm
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra: Giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới từ 1,5-2%/năm; tăng cường hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến năm 2025 giảm 50% xã, thôn đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người tăng 2 lần so với năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo phấn đấu bằng hoặc thấp hơn mức bình quân chung cả nước. Trong thời gian đến, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục tập trung quán triệt, tuyên truyền lồng ghép triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp về công tác GNBV theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư; các chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 29/11/2021 về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác GNBV giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 11/10/2022 về tiếp tục nâng cao chất lượng vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần chỉ đạo rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các mục tiêu giảm nghèo và chương trình an sinh xã hội gắn với việc thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” ở địa phương, đơn vị. Xây dựng kế hoạch cụ thể lãnh đạo thực hiện hiệu quả công tác vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và tổ chức Tháng cao điểm “Vì người nghèo” hằng năm gắn với thực hiện các mục tiêu GNBV của địa phương. Lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn, tăng cường và nâng cao hiệu quả các nguồn lực. Tiếp tục rà soát, xem xét quyết định ban hành cơ chế chính sách GNBV trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương; đồng thời tăng cường công tác giám sát các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch về GNBV. Chỉ đạo kịp thời việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển KT-XH gắn với mục tiêu giảm nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội đạt hiệu quả và đúng quy định. Tập trung huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đang khó khăn về nhà ở có chỗ ở ổn định, giúp các đối tượng an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhóm PV
Nguồn: http://baoninhthuan.com.vn/news/149895p25c151/bai-cuoi-dong-hanh-cung-nguoi-ngheo.htm