Báo cáo với Đoàn công tác, bà Pi Năng Thị Thủy – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Giai đoạn 2021 – 2025, vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh có 28 xã; trong đó có 15 xã khu vực III, 1 xã khu vực II, 12 xã khu vực I với 71 thôn đặc biệt khó khăn.
Toàn tỉnh có 32 DTTS với 39.478 hộ (176.452 khẩu), chiếm 24,03% dân số toàn tỉnh. Tính đến cuối năm 2023, hộ nghèo DTTS là 5.149 hộ (21.219 khẩu), chiếm tỷ lệ 13,04% so với tổng số hộ DTTS. Hộ cận nghèo DTTS là 3.517 hộ (16.664 khẩu), chiếm tỷ lệ 8,91% so số hộ DTTS. Riêng huyện nghèo Bác Ái có 2.313 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 28,27%.
Tổng nguồn vốn được phân bổ để thực hiện Chương trình MTQG 1719 là hơn 480,6 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn năm 2022, 2023 chuyển sang là gần 140 tỷ đồng và nguồn vốn trong năm 2024 là hơn 340 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn lực được phân bổ, tính đến 31/8/2024, địa phương đã giải ngân gần 190 tỷ đồng, đạt 39,5%. Trong đó, vốn đầu tư giải ngân đạt 73,6% và vốn sự nghiệp giải ngân đạt gần 16%.
“Địa phương đã triển khai các Dự án, Tiểu dự án nhằm xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới được chú trọng; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục-đào tạo có những chuyển biến tích cực…”, bà Thủy cho biết thêm.
Tại buổi làm việc, ông Hà Việt Quân – Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719, cho hay: Quá trình giám sát thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại huyện Bác Ái cho thấy, địa phương đã triển khai tương đối hiệu quả các nguồn vốn từ Chương trình. Trong đó, địa phương đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như điện, đường và lồng ghép các nguồn lực để triển khai hỗ trợ hiệu quả sinh kế cho người dân (như hỗ trợ vật nuôi bò, dê, lừa). Công tác giảm nghèo cũng được địa phương chú trọng, phát triển sản xuất tốt.
“Tuy nhiên, dù kết quả giải ngân chung của Chương trình tương đối tốt, nhưng theo kết quả giải ngân chung của tỉnh Ninh Thuận còn thấp, chưa bảo đảm tỷ lệ giải ngân chung cả nước. Trong quá trình khảo sát, nhìn chung Ninh Thuận bảo đảm lộ trình các mục tiêu, nhưng chưa có một lộ trình cụ thể hoàn thành các mục tiêu của Chương trình. Đến nay, các xã, huyện cũng chưa có một lộ trình cụ thể hoàn thành Chương trình MTQG 1719”, ông Quân nói.
Cũng theo ông Hà Việt Quân, quá trình giám sát cho thấy, hiện nay ở một số xã còn gặp khó khăn trong việc đầu tư tập trung. Ví như ở xã Phước Trung, chỉ đầu tư cây cầu, còn đường phía sau cầu thì vẫn chưa làm. Khó khăn này theo địa phương báo cáo là do vướng nguồn vốn, mấy năm mới giải ngân vốn 1 lần, nên rất khó. Hơn nữa, việc phân bổ vốn lại phân thành 3 dự án khác nhau, 3 khu vực khác nhau nên không bảo đảm sự kết nối, khó phát huy hết hiệu quả của cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, nguyên tắc là phải đầu tư tập trung, dứt điểm, bảo đảm phát huy hiệu quả công trình.
Trong khi đó, ông Lưu Xuân Thủy – Vụ trưởng vụ Dân tộc thiểu số, cho biết: Địa phương cần quan tâm đến vấn đề phát huy vai trò của lực lượng Người có uy tín ở địa phương, nhất là vấn đề hỗ trợ về thông tin như vấn đề cấp phát báo cho Người có uy tín. Thứ hai, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi về sinh kế, nhà ở…
Bà Cấn Thị Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Bác Ái là huyện nghèo, miền núi của tỉnh Ninh Thuận, với 9 xã, 38 thôn đều thuộc khu vực III. Trong đó hộ đồng bào DTTS là 6.841 hộ (29.704 nhân khẩu), chiếm 83,6%, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglay.
Về phân bổ vốn Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025: Kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 – 2025 là hơn 242,7 tỷ đồng để thực hiện 34 dự án. Đối với nguồn vốn năm 2024 (bao gồm vốn năm 2022, năm 2023 được kéo dài sang thực hiện năm 2024) là hơn 143 tỷ đồng; nguồn năm 2024 là hơn 99 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn hộ dân vay tín dụng là hơn 12 tỷ đồng, vốn đóng góp của người dân là hơn 2,2 tỷ đồng.
Huyện Bác Ái kiến nghị với Đoàn công tác sớm tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, để các địa phương sớm hoàn thành mục tiêu giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện Chương trình.
Bên cạnh đó, sớm hướng dẫn cụ thể triển khai Dự án 9, tại Tiểu Dự án 1 về Đầu tư tạo sinh kế bền vững, phát triển kinh tế – xã hội nhóm DTTS còn nhiều khó khăn để địa phương triển khai thực hiện. Cần xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung về các tiêu chí đánh giá, tiêu chí chấm theo thang điểm cụ thể, rõ ràng hơn để thuận tiện trong việc tổ chức đánh giá hồ sơ nhà đầu tư đảm bảo tính chính xác, công bằng, công khai, minh bạch của các nhà thầu tham gia theo đúng quy định…
Ông Nguyễn Long Biên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Địa phương cũng đang rất quyết liệt trong việc giải ngân vốn đầu tư công, kể cả giải ngân vốn các Chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719. Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên đôn đốc, có nhiều văn bản chỉ đạo về việc này. Trước khi có Nghị quyết 111, việc giải ngân vốn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết này dường như đã tháo gỡ nhiều vướng mắc.
“Chúng tôi vẫn xác định là có những vướng mắc, có những cái chúng ta chậm. Chúng ta chưa quyết tâm lắm, vẫn còn một số do dự nên thời gian kéo dài. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ quyết tâm, đặt mục tiêu là phải giải ngân tỷ lệ cao nhất theo sự chỉ đạo của Chính phủ, cũng như các Bộ, Ngành Trung ương”, ông Biên nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên, địa phương nỗ lực tiếp tục triển khai Chỉ thị 06. Ở Ninh Thuận có đặc thù là đồng bào Chăm chiếm số lượng đông nhất cả nước, với nhiều nét văn hóa đăc thù có những quần thể các di tích tháp Chăm đồ sộ và độc đáo mà địa phương khác không có.
“Trong thời gian qua, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, địa phương còn tranh thủ các nguồn lực từ các Chương trình MTQG, nguồn lực địa phương, kể cả nguồn vốn từ bên ngoài để hỗ trợ cho người Chăm. Trong thời gian tới, địa phương sẽ có những bổ sung về chính sách phát triển kinh tế – xã hội cho đồng bào Chăm. Địa phương sẽ tiếp thu những ý kiến từ Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT và ý kiến từ các cơ quan, đơn vị tại buổi làm việc để sắp tới triển khai tốt hơn các nội dung, dự án từ các Chương trình MTQG”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ thêm.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao công tác tham mưu của Ban Dân tộc tỉnh, đồng thời biểu dương những nỗ lực của địa phương để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT hầu A Lềnh chia sẻ, Chương trình MTQG 1719 tập trung vào nhóm đối tượng đặc thù là đồng bào DTTS đang sinh sống trên địa bàn có điều kiện khó khăn nhất, vì thế, tỉnh cần căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, rà soát từng dự án để triển khai đúng đối tượng, phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Kết quả đạt được là cả quá trình chỉ đạo, điều hành, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân. Những kết quả trên đã tạo ra bước chuyển biến tốt trong công tác đầu tư xây dựng hạ tầng, làm thay đổi diện mạo của các vùng nông thôn, nâng cao thu nhập cho các hộ dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Ninh Thuận tăng cường công tác thể chế hóa các quyết định thuộc thẩm quyền của địa phương, xem xét lại các chủ trương mới của Chính phủ, của Quốc hội; nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác dân tộc để triển khai các chính sách rất quan trọng vì địa bàn tỉnh rất khó khăn và đối tượng rộng. Kèm theo đó là các nội dung chính sách nhiều; các quy trình, trình tự theo quy định pháp luật đa dạng.
“Tỉnh Ninh Thuận cần triển khai đồng bộ không được trùng lặp, tăng cường điều tra giám sát, nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn theo thẩm định của các cấp trong quá trình tổ chức triển khai các Chương trình, chính sách dân tộc.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh mong muốn tỉnh Ninh Thuận tiếp tục tăng cường công tác vận động, tuyên truyền; kịp thời xử lý, giải quyết những vấn đề phát sinh; tiếp tục làm tốt công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp; duy trì chế độ báo cáo thường xuyên để trao đổi thông tin giữa Trung ương và địa phương…
Đối với những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm giao các Vụ, đơn vị liên quan tổng hợp đầy đủ. Ủy ban Dân tộc tiếp thu, tham mưu và giải quyết theo thẩm quyền.
Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc