Gốm Chăm là nét văn hóa độc đáo còn được gìn giữ đến ngày nay. Hiện nghề làm gốm Chăm còn lưu giữ tại 2 địa phương là Ninh Thuận và Bình Thuận. Tuy vậy, nổi tiếng hơn cả vẫn là làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận).
Làng nghề gốm Bàu Trúc nằm ven Quốc lộ 1A thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), cách Tp. Phan Rang – Tháp Chàm 10 km về hướng Nam. Trải qua hàng ngàn năm, đến nay, nghệ thuật làm gốm của đồng bào Chăm ở làng nghề Bàu Trúc vẫn được gìn giữ và phát triển.
Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghệ thuật làm gốm truyền thống Bàu Trúc là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.Tháng 11/2022, nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Đặc trưng của gốm Bàu Trúc, là quá trình chế tác không sử dụng bàn xoay mà nghệ nhân sẽ dùng tay di chuyển xung quanh để tạo hình. Các nghệ nhân ở HTX gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Nình Phước), cho biết, cách tạo nên sản phẩm gốm theo kiểu “làm bằng tay, xoay bằng mông”, không hề có máy móc nào tham gia kể từ khâu nhồi đất cho đến khi gốm ra lò.
Nguyên liệu sử dụng của gốm Bàu Trúc, là đất sét được khai thác tại vùng bờ sông Quao, có độ dẻo, mịn và nhiều đặc tính đặc biệt khác. Quá trình nung gốm từ 6 đến 10 tiếng tùy độ dày và sử dụng lò nung gốm lộ thiên, nguyên liêu đốt lò nung gồm củi, rơm.
“Từ trước đến nay, người dân đã gắn bó với gốm. Chính nghề gốm đã giúp nhiều gia đình người Chăm ở Ninh Thuận có được cơm ăn, áo mặc và có thu nhập ổn định” cụ Trương Thị Gạch (80 tuổi) -nghệ nhân ở làng gốm Bàu Trúc chia sẻ.
Cụ Gạch là một trong những nghệ nhân cao tuổi nhất ở HTX gốm Bàu Trúc hiện vẫn đang giữ nghề. Công việc chính của cụ, là trình diễn các công đoạn làm gốm cho du khách và người dân khi đến tham quan và tìm hiểu về gốm Bàu Trúc. Mặc dù tuổi cao, nhưng bắt tay vào việc, đôi tay cụ vẫn nhịp nhàng theo từng vòng xoay của người điêu luyện trong nghề, những sản phẩm cụ làm ra được đánh giá cao.
Chia sẻ về nghề, cụ Gạch cho hay, từ thời con gái, cụ đã được mẹ truyền dạy làm gốm thủ công. Đến năm 20 tuổi, cụ đã thạo nghề. “Thời trước, con trai làm nương rẫy, làm đất, con gái thì học làm gốm. Gần 60 năm theo nghề, cụ Gạch dường như đã trải qua đủ cung bậc cảm xúc cùng với gốm.
“Ban ngày thì làm, tối về phải suy nghĩ làm sao cho có một tác phẩm đẹp. Làm sao để đưa được cái hồn vào sản phẩm, đó mới là khó. Đến giờ, niềm vui của bà là vẫn còn sức khỏe để làm gốm, truyền nghề cho các con, cháu để giữ gìn tinh hoa của đồng bào mình” cụ Gạch chia sẻ thêm.
Tương tự, hơn 30 năm gắn với nghề gốm, bà Đàng Thị Liễu (60 tuổi) cho biết, để làm nên một món đồ gốm thì dễ, nhưng làm một sản phẩm độc đáo, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì ngày một khó.
“Nếu không có sự quyết tâm, kiên trì thì không làm được. Nhiều lần, khi sản phẩm hình thành, nhưng nhìn chưa ưa mắt là đập bẹp rồi nhào đất để làm lại. Làm khi nào thấy đẹp và ưng ý mới thôi. Gốm Chăm Ninh Thuận làm hoàn toàn thủ công, không có khuôn, nên mỗi sản phẩm đều mang một đặc trưng riêng”, bà Liễu cho hay.
Theo anh Phú Thanh Ngọc (29 tuổi, đang làm tại HTX gốm Bàu Trúc), để có được một sản phẩm gốm đẹp, thường có nhiều công đoạn. Trong đó, có thể kể đến như nhào đất, tạo hình, trang trí, hong khô rồi đem nung. Trong đó, khâu tạo hình và trang trí đòi hỏi người làm phải có sự tỉ mỉ, có sự sáng tạo.Trước khi hoàn thành tác phẩm nghệ thuật, người thợ sẽ dùng một tấm vải mỏng chà nhẹ lên đồ gốm để tạo độ láng, mịn.
“Hiện nay, HTX gốm Bàu Trúc giúp cho nhiều người thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng”, anh Ngọc cho biết.
Anh Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc HTX gốm Bàu Trúc, cho biết: Làng nghề gốm Bàu Trúc đã có từ lâu đời, là một trong những làng nghề cổ xưa nhất ở Đông Nam Á.
Nghề làm gốm ở Bàu Trúc vốn là nghề dành riêng cho phụ nữ; đàn ông chỉ đi hái củi, đào đất gánh rơm phụ giúp lúc nung gốm. Những năm gần đây, thị trường ưa chuộng những sản phẩm gốm có kích thước to lớn, nặng hàng chục kg, thậm chí nặng cả tấn nên trong làng Bàu Trúc ngày càng có nhiều nam thanh niên, đàn ông trung niên học nghề và làm nhiều sản phẩm.
Trước năm 1997, đây chỉ là làng nghề bình thường, bà con làm gốm để đổi thóc, đổi gạo, hoặc làm trang trí. Tuy nhiên, những năm qua, cùng với chính sách của các cấp, các ngành, nghề làm gốm Bàu Trúc đã phát triển ổn định, đầu ra của sản phẩm cũng được cải thiện.
Tại HTX gốm Bàu Trúc, hiện có hơn 50 lao động có thu nhập ổn định. Hiện nay, bên cạnh việc mở rộng thị trường gốm, làng nghề đẩy mạnh việc phát triển làng nghề gắn du lịch thông qua hoạt động trải nghiệm làm gốm.
Theo thời gian, người làm gốm Bàu Trúc cũng linh hoạt chế tác ra các sản phẩm phù hợp với thời đại, không cứng nhắc vào những sản phẩm đặc trưng như trước. Hiện nay, HTX đang sản xuất 3 dòng sản phẩm gốm chủ đạo, là đồ gốm gia dụng, đồ gốm tâm linh và gốm mỹ nghệ. Khách du lịch đến trải nghiệm ngày càng nhiều, nhờ đó sản phẩm gốm được quảng bá rộng rãi, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân.
“Bên cạnh đó, các chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chính sách phát triển làng nghề của các cấp, các ngành và của tỉnh Ninh Thuận đã đang thúc đẩy làng nghề đang hồi sinh mạnh mẽ”, anh Thuần chia sẻ thêm.
Nghệ nhân Đàng Thị Hoa với nghề “sống cùng đất”
Nguồn: https://baodantoc.vn/tham-lang-gom-cua-nguoi-cham-noi-tieng-o-ninh-thuan-1726993195974.htm