Ngày 27/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Tham dự tại điểm cầu Ninh Thuận có đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội gồm 7 chương, 78 điều quy định chi tiết một số điều, khoản, điểm quy định tại Luật Nhà ở năm 2023, như: Lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn; trình tự, thủ tục bán, cho thuê nhà ở xã hội…
Dự thảo Nghị định có nhiều điểm mới như: Quy định về đất để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; chủ đầu tư của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đáng chú ý là quy định loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để cho thuê… Theo lộ trình, nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024, thay thế các Nghị định cũ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu Ninh Thuận.
Tại hội nghị, đại biểu các bộ ngành, chuyên gia, địa phương đã rà soát, thảo luận, góp ý về các vấn đề còn nhiều ý kiến trong dự thảo Nghị định. Một số ý kiến đề nghị xem xét lại một số nội dung trong dự thảo Nghị định.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Xây dựng rà soát chặt chẽ các quy định, các trình tự thủ tục, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện Nghị định một cách nghiêm túc trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Cần có quy định rõ về tiêu chí, điều kiện, cũng như xem lại quy hoạch, quỹ đất cho nhà ở xã hội trong chính sách phát triển đô thị, nông thôn; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các thủ tục về nhà ở xã hội; tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với nhà ở xã hội. Đồng thời, xác định các đối tượng nhà ở xã hội; làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, tính khả thi trong triển khai, đảm bảo tính thực thi của Luật khi đi vào cuộc sống.
Anh Tuấn