Ngày 21/5, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng đầu năm 2024 và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2024. Tham dự tại điểm cầu Ninh Thuận có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan.
Theo báo cáo của các bộ ngành trung ương và số liệu từ hệ thống Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc), tính đến hết ngày 15/5, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ ngành chỉ đạt 8,58% kế hoạch vốn được giao. Giải ngân vốn nước ngoài của các địa phương đạt 5,7% kế hoạch vốn được giao (tính cho cả kế hoạch vốn cấp phát và vay lại) cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 4,9%. Trong đó, có 5/53 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%, 28/53 địa phương chưa giải ngân vốn ngân sách trung ương cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận.
Tại tỉnh Ninh Thuận, tính đến ngày 15/5 đã giải ngân nguồn vốn nước ngoài được 125,2 tỷ đồng, đạt 16,48% kế hoạch. Trong đó, dự án Môi trường bền vững-Tiểu dự án Tp. Phan Rang-Tháp Chàm giải ngân 34,57 tỷ đồng, đạt 7,9%; dự án nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị hạn hán (ADB8) 83,48 tỷ đồng, đạt 29,5% kế hoạch; dự án tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu tỉnh Ninh Thuận (SACCR Ninh Thuận) giải ngân 7,14 tỷ đồng, đạt 20,4% kế hoạch. Các dự án phấn đấu đến cuối năm 2024 giải ngân đạt 100% kế hoạch được giao.
Tại Hội nghị, các địa phương đã phát biểu thảo luận nêu một số vướng mắc, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của Chính phủ năm 2024.
Để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới, Bộ Tài chính đề xuất các địa phương cần tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, đặc biệt lưu ý các dự án có năm lập kế hoạch là năm giải ngân cuối cùng để đảm bảo đủ vốn cho các dự án, tránh việc phải gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, phát sinh nhiều thủ tục hành chính. Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao trước ngày 30/6. Đối với các dự án có vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án, các địa phương, ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; hoàn thiện các thiết kế kỹ thuật, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng; sớm xử lý các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án.
Anh Tuấn