Ngày 16/5, Tổ đại biểu số 8, HĐND tỉnh gồm các đồng chí: Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Thị Thanh Hà, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Phan Rang – Tháp Chàm có buổi giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 22/7/2022 của HĐND tỉnh về chất vấn và trả lời chất vấn đối với công tác quản lý nhà nước về nạo vét, quản lý, vận hành cảng và vệ sinh môi trường tại Cảng cá Đông Hải.
Cảng cá Đông Hải là cảng loại 3 được đưa vào khai thác từ năm 1996. Đến nay, do số lượng tàu cá tăng nhanh với khoảng 450 tàu dẫn đến tình trạng quá tải, gây khó khăn cho phương tiện ra vào cảng. Các hệ thống giao thông, thoát nước, xử lý nước thải, nhà phân loại hải sản hiện hữu đã xuống cấp trầm trọng, chưa đáp ứng nhu cầu hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân. Sau khi Nghị quyết số 37/NQ-HĐND tỉnh ban hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương chỉ đạo Ban quản lý Khai thác các cảng cá khẩn trương khắc phục tồn tại. Theo đó, Sở đã tham mưu đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương và bố trí kinh phí khoảng 9,3 tỷ đồng để thực hiện sửa chữa, khắc phục một số công trình cấp thiết tại cảng, hiện nay Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đang xem xét cân đối nguồn vốn để thực hiện. Ngoài ra, trong năm 2023, tỉnh đã bố trí 1 tỷ đồng sửa chữa đường nội bộ và xử lý nước thải, cơ bản khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường tại cảng. Riêng hạng mục nạo vét tuyến luồng, vũng đậu tàu, khu neo đậu tránh trú bão được triển khai theo hình thức xã hội hóa đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để thi công.
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.
Qua nghe ý kiến góp ý của ngành chức năng, lãnh đạo địa phương và một số ngư dân trên địa bàn; phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường phối hợp với sở, ngành liên quan, địa phương rà soát toàn diện những khó khăn, tồn tại hoạt động của cảng hiện nay để tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch chỉ đạo, giải quyết kịp thời. Trong đó, chú trọng đề xuất bố trí kinh phí đầu tư, nâng cấp các công trình phù hợp cho từng giai đoạn; đánh giá, ước tính trữ lượng và đẩy nhanh quy trình đấu thầu để kêu gọi doanh nghiệp tham gia nạo vét luồng lạch; quản lý chặt chẽ công tác cho thuê mặt bằng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, hộ dân tại khu vực cảng; quan tâm vấn đề vệ sinh môi trường, phân luồng neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn. Nghiên cứu tính toán khả năng mở rộng hoạt động của cảng sang các khu vực lân cận, nhằm từng bước hoàn chỉnh quy hoạch, đáp ứng nhu cầu neo đậu và dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo động lực cho ngành thủy sản phát triển hiệu quả, bền vững.
Hồng Lâm