Hòa chung trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày diễn ra lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn trên địa bàn tỉnh, tối ngày 13/10, tại sân vận động thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Tỏa sáng di sản văn hóa Chăm”.
Tham dự chương trình có đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương; các chức sắc, chức việc và đông đảo bà con nhân dân đến xem, thưởng thức.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu đến dự . Ảnh: P.Bình
Chương trình diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi với sự đón đợi của đông đảo bà con nhân dân địa phương mặc cho thời tiết mưa gió không được thuận lợi. Mở đầu chương trình là phần giới thiệu về những nét văn hóa độc đáo của Lễ hội Katê – một trong những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng lớn được cộng đồng người Chăm Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận tổ chức hàng năm nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công đóng góp xây dựng quê hương, làng xã; là dịp để thắt chặt tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng.
Tiếp đó là chương trình nghệ thuật đặc sắc gồm 3 phần: phần 1- Hương xứ đất nung; phần 2- Lung linh sắc màu di sản; phần 3- Bừng sáng di sản văn hóa Chăm, với sự trình diễn của toàn thể nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Ca mua nhạc dân tộc tỉnh và hơn 60 diễn viên quần chúng được huy động tham gia. Mở màn là tiết mục hát múa “Miền đất Panduranga” ngợi ca đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, óc sáng tạo phong phú của người Chăm đã làm cho mảnh đất khô cằn nở hoa và tỏa hương. Liên tục chương trình là 14 tiết mục được dàn dựng công phu, bao gồm: tốp ca “Đất nung”, song ca “Tình làng gốm”, hòa tấu nhạc cụ “Giao hòa”, tốp ca “Talieo hót lên đi”, đơn ca “Xuân về trên tháp cổ”, hát múa “Tiếng trống hội Katê”, “Người Chăm vui hội”, “Người Chăm ơn Đảng”, “Giọt tháp” và các tiết mục múa “Khúc khải hoàn”, “Đời dệt”, “Thổi hồn nhịp trống Ginăng”. Các tiết mục đã khắc họa những công trình đền tháp của người Chăm được xây dựng bằng gạch nung với nghệ thuật điêu khắc chạm trổ điêu luyện, các đường nét thể hiện vừa hoành tráng, lộng lẫy, vừa tinh tế mềm mại, những họa tiết trang trí vừa sống động chân thực, vừa huyền ảo kỳ bí.
Tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm nét văn hóa của đồng bào Chăm. Ảnh: P.Bình
Những tác phẩm ấy là minh chứng cho một nền Di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm gắn liền với nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội của người Chăm vừa được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Các loại hình nghệ thuật của người Chăm phản ánh một quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật; nó kết tinh trí tuệ, tài hoa, khả năng cảm thụ nghệ thuật và luôn gắn kết mật thiết với đời sống tín ngưỡng, các thần linh, các nghi lễ truyền thống của người Chăm. Qua đó khẳng định trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, kho tàng di sản văn hóa Chăm vẫn luôn là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi người và song hành cùng với sự phát triển đi lên của quê hương Ninh Thuận.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Ninh Phước cùng các sở, ban, ngành có liên quan đã tham mưu và tổ chức thực hiện chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Lễ hội Katê năm 2023.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Lễ hội Katê năm 2023.
Xem đây là hoạt động khởi đầu cho việc tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch; các hoạt động tuyên truyền, chào mừng lễ hội Katê năm 2023 nhằm lan tỏa quy mô, giá trị của lễ hội Katê, một di sản văn hóa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần giới thiệu, quảng bá đến nhân dân, du khách trong nước và quốc tế về một Ninh Thuận đa sắc màu. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phó Chu tịch UBND tỉnh gửi đến các vị chức sắc, chức việc cùng toàn thể cộng đồng Chăm Bàlamôn trong tỉnh đón mừng lễ hội Katê thật vui tươi, an toàn, tiết kiệm và lành mạnh, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đồng thời góp phần đưa “Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận” đã trở thành một phần của nền di sản văn hóa quốc gia Việt Nam, là sự đóng góp của người Chăm và văn hóa Chăm vào nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng.
Diễm My