Ngày 26/9, Hội thảo Du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã diễn ra tại thành phố Hội An (Quảng Nam) với đại diện hơn 50 doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành, các nhà quản lý, lãnh đạo các địa phương tham dự.
Sự kiện do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Quản lý Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) tổ chức.
Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cả nước hiện có 33 vườn quốc gia, 57 khu dự trữ thiên nhiên, 13 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 53 khu bảo vệ cảnh quan và 9 khu dự trữ sinh quyển. Riêng tại Quảng Nam có một Vườn Quốc gia, hai khu bảo tồn loài và sinh cảnh. Đây được xem là cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp du lịch xây dựng và phát triển tour đặc trưng cho từng địa phương, vùng miền. Mỗi năm, hoạt động du lịch sinh thái tại rừng đặc dụng thu hút hơn 2 triệu lượt khách, thu về hơn 100 tỷ đồng, góp phần tích cực vào sự phát triển của địa phương.
Quang cảnh Hội thảo.
Ông Hoàng Hoa Quân, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chia sẻ, để du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn động vật hoang dã và thiên nhiên, các hoạt động du lịch phải vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa tạo sinh kế và thu nhập cho cộng đồng. Các hoạt động du lịch phải góp phần bảo vệ các giá trị di sản, bảo tồn các hệ sinh thái, giảm xả thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên.
Tại Quảng Nam, năm 2023, ngành Du lịch đặt mục tiêu thu hút 7 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 9.000 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, bên cạnh những giải pháp thúc đẩy ngành Du lịch phục hồi, tăng tốc sau đại dịch, tỉnh đang phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch có trách nhiệm gắn với bảo vệ thiên nhiên, động vật hoang dã cũng được địa phương triển khai, lan tỏa ngày càng rộng đến cộng đồng doanh nghiệp và dân cư.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Quảng Nam Văn Bá Sơn, du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã là nền tảng để phát triển du lịch bền vững. Để tiến tới mục tiêu nhân văn này, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch và cộng đồng dân cư phải thay đổi nhận thức về tập tục sinh hoạt, thay đổi nhận thức về nhu cầu của khách du lịch về săn lùng các loại động vật hoang dã làm nhu cầu thực phẩm, làm vật trang trí, lưu niệm. Do đó, mục tiêu phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã là những nội dung quan trọng được các đại biểu dự hội thảo đã tập trung thảo luận nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, các hãng lữ hành, các điểm đến và du khách.
Trên cơ sở phân tích những tác động xâm hại, nguy cơ động vật hoang dã đang đối diện thông qua mặt trái của các hoạt động du lịch, khách du lịch, tác động tiêu cực của việc bẫy bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, các đại biểu đã đề xuất các hướng giải quyết một cách hài hòa, bền vững, tránh xung đột giữa lợi ích kinh tế với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã.
Theo TTXVN/Báo Tin tức