Với mục tiêu phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng được tỉnh ta đặt ra đến năm 2025 đạt 49%, thời gian qua, các cơ quan chức năng, địa phương, đơn vị chủ rừng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm gia tăng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh ta hiện có tổng diện tích rừng và đất rừng 200.392,80 ha, trong đó diện tích đất có rừng 160.423,64 ha và diện tích đất chưa có rừng 39.969,26 ha. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QL, BVR) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; tài nguyên rừng được quản lý, bảo vệ tốt đã góp phần nâng cao độ che phủ rừng. Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đưa ra chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh qua từng năm. Theo đó, Sở NN&PTNT đã tập trung quy hoạch diện tích đất rừng để phục vụ cho công tác trồng rừng phù hợp theo đúng mục tiêu đề ra. Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, địa phương đẩy mạnh công tác QL, BVR, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi rừng tự nhiên, kết hợp với trồng bổ sung; bảo vệ môi trường sinh thái, phòng hộ đầu nguồn, tăng khả năng sinh thủy của rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; hạn chế suy giảm rừng, mất rừng. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng và người dân trong công tác BVR, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhờ đó, trong giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã trồng mới được 1.712,94 ha rừng, khoanh nuôi xúc tiến 9.021 ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 47,11% và dự kiến năm 2023 là 47,25%.
Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng xã Ma Nới (Ninh Sơn) thường xuyên
tuần tra lâm phần do đơn vị quản lý.
Là đơn vị quản lý trên 39.387 ha đất rừng (trong đó diện tích rừng 23.711 ha và 15.676 ha đất chưa có rừng), để nâng cao công tác QL, BVR và nâng cao độ che phủ rừng, thời gian qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Sắt- Sông Trâu đã tập trung công tác trồng rừng, chăm sóc rừng trồng và khoanh nuôi tái sinh rừng. Ông Hoàng Lộc, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Sắt – Sông Trầu cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác QL, BVR và trồng rừng, giai đoạn 2021-2023, đơn vị đã tập trung trồng được 750 ha rừng; tổ chức chăm sóc 630 ha rừng trồng và khoanh nuôi rừng tái sinh được 1.000 ha. Nhờ đó, giai đoạn 2021-2023 diện tích rừng của đơn vị đã tăng từ 23.711 ha lên 26.487 ha, tỷ lệ che phủ rừng từ 60% lên 67%. Đơn vị phấn đấu đến 2025, tăng diện tích rừng lên 29.100 ha, tỷ lệ che phủ lên 74%.
Mặc dù, công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, qua đánh giá thực tế cho thấy, để đạt được chỉ tiêu thành rừng còn gặp nhiều khó khăn, bởi từ khi trồng đến khi thành rừng mất khoảng 3-5 năm; qũy đất trồng rừng của một số đơn vị không còn, nhiều diện tích trồng rừng chủ yếu là ở những khu vực xa dân cư, đi lại khó khăn; nguồn lực đầu tư cho công tác trồng rừng còn hạn chế; tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng vẫn còn diễn ra; công tác kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, cập nhập tích hợp dữ liệu rừng chưa đầy đủ…
Đồng chí Trần Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Với quyết tâm phấn đấu đạt tỷ lệ che phủ rừng giai đoạn 2023-2025 là tăng 1,89%, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, đơn vị tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển lâm nghiệp bền vững. Rà soát, đánh giá, cập nhập diện tích, đối tượng thành rừng đối với diện tích đất có cây gỗ tái sinh thành rừng là trên 3.425 ha; điều tra, đánh giá đất có cây gỗ tái sinh thành rừng và đất trống có cây gỗ tái sinh giai đoạn 2023-2025 để trồng rừng với diện tích 2.629,780 ha. Tập trung trồng mới 2.817 ha rừng từ nay đến năm 2025 và cập nhập diện tích rừng tự nhiên ngoài 3 loại rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật và công nghệ trong thực hiện tuyển chọn giống có năng suất, chất lượng; xây dựng chính sách hỗ trợ cây giống để trồng rừng; xây dựng các mô hình trồng rừng thâm canh, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, khai thác và chế biến lâm sản. Huy động vốn, nguồn lực để đầu tư phát triển lâm nghiệp từ các chương trình, dự án, đề án của trung ương, địa phương, các nguồn vốn ODA và các thành phần kinh tế khác; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu che phủ rừng theo kế hoạch đề ra.
Tiến Mạnh