Thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (NN), thời gian qua, ngành NN đã cùng các địa phương thực hiện nhiều mô hình liên kết đối với các loại cây trồng chủ lực. Qua đó từng bước gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm NN.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua liên kết sản xuất, đã nổi lên một số mô hình mang lại hiệu quả cao như: Mô hình liên kết chuỗi giá trị bắp giống được thực hiện tại xã Phước Vinh (Ninh Phước), quy mô 80 ha, do Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ NN Phước An chủ trì đã liên kết với Công ty TNHH Hạt giống CP đạt năng suất 73 tạ/ha, giá bán 8.500 đồng/kg bắp tươi nguyên cùi, lợi nhuận 35,890 triệu đồng/ha, cao hơn 20,595 triệu đồng/ha so với sản xuất bắp đại trà. Hay mô hình liên kết chuỗi giá trị măng tây triển khai tại xã An Hải (Ninh Phước), với quy mô 35 ha, do HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú chủ trì liên kết với Trang trại NN hữu cơ Tiên Tiến sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Với vai trò chủ trì, HTX đã ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp (DN) cung ứng giống măng tây, thanh toán trước 30% và số còn lại thanh toán khi thu hoạch và bao tiêu toàn bộ sản phẩm măng tây của các HTX với giá bình quân 50.000 đồng/kg. Tham gia mô hình, người dân thu lợi nhuận 300-320 triệu/ha/năm. Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị nha đam trên địa bàn tỉnh có 2 liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, quy mô 67 ha/274 hộ và HTX Bắc Sơn, do Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt chủ trì và tiêu thụ, bước đầu đã liên kết tiêu thụ được 11.590 tấn nha đam cho các hộ dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho những vùng đất vốn gặp nhiều khó khăn, nhiều bất lợi về điều kiện sản xuất tại huyện Thuận Bắc.
Du khách tham quan vườn nho Thái An (Ninh Hải). Ảnh: V. Miên
Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị nho, hiện trên địa bàn tỉnh có 4 chuỗi liên kết, quy mô 90 ha/251 hộ; hình thức liên kết là cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, gắn với tiêu thụ được 1.350 tấn nho. Mối liên kết này đã giúp các hộ tham gia sản xuất có thu nhập ổn định và tiếp tục liên kết, đầu tư sản xuất trong thời gian tới. Ngoài ra, việc trồng nho kết hợp với du lịch sinh thái đã được phát triển từ các HTX NN Thái An, Trang trại nho Ba Mọi, Trang trại nho Hoàng Yến, Trang trại nho Trí Hà,… đây là mô hình đang thu hút đông du khách đến Ninh Thuận tham quan và trải nghiệm ngày càng tăng.
Hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 61 chuỗi liên kết sản xuất trồng trọt theo chuỗi giá trị với tổng quy mô 14.327 ha có sự tham gia của gần 16.600 hộ dân. Trong đó, có 45 chuỗi liên kết do HTX chủ trì và 16 chuỗi liên kết do DN chủ trì đã liên kết sản xuất các cây trồng chủ lực, có thế mạnh của địa phương như: Lúa, bắp giống, nho, táo, măng tây, nha đam, mía, mì, ớt, tỏi, hành tím… Các địa phương đã phê duyệt 22 dự án và 19 kế hoạch liên kết với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 15,4 tỷ đồng để triển khai thực hiện liên kết sản xuất cánh đồng lớn, hỗ trợ hạ tầng, công tác khuyến nông, tập huấn, hỗ trợ vật tư, giống cây trồng và bao bì, nhãn mác sản phẩm. Năm 2023 các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức ký kết 9 hợp đồng kinh tế liên kết giữa các đơn vị phân phối tiêu thụ và các chủ thể sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, hướng đến xuất khẩu trong thời gian tới.
Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị nha đam giữa Hợp tác xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) và Công ty Cổ phần thực phẩm Cánh Đồng Việt.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để triển khai thực hiện hiệu quả các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất, quản lý trong sản xuất NN, thời gian tới đơn vị phối hợp các đơn vị, địa phương đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực, nhằm tạo ra sản phẩm đồng nhất về mẫu mã, chất lượng. Nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất, chuỗi giá trị có hiệu quả, phù hợp với từng địa phương. Tăng cường chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, khoa học – công nghệ vào sản xuất, nhất là các quy trình sản xuất VietGAP, ứng dụng công nghệ nhà lưới, tưới tiết kiệm nước, sản xuất NN sạch, hữu cơ; ứng dụng công nghệ trong thu hoạch, bảo quản, sơ chế, đóng gói sản phẩm. Hỗ trợ hình thành, phát triển các HTX trong NN trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình kinh tế hộ gắn với liên kết để tập trung ruộng đất, sản xuất chuyên canh, tạo sản phẩm hàng hóa quy mô lớn. Phát triển kinh tế trang trại trong các lĩnh vực sản xuất NN có sự liên kết, hợp tác với DN, HTX theo chuỗi giá trị nhằm khai thác tiềm năng đất đai, lao động, vốn, kinh nghiệm sản xuất… của người dân. Tiếp tục kêu gọi, khuyến khích các DN lớn trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm NN của tỉnh; phối hợp với các đơn vị, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Anh Tuấn