Qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, ngành Nông nghiệp (NN) đã chủ động cụ thể hóa việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt những kết quả đáng khích lệ, là bệ đỡ của nền kinh tế khi gặp khó khăn, nhất là giai đoạn đại dịch COVID-19.
Nông dân xã Xuân Hải (Ninh Hải) thu hoạch nho. Ảnh: Văn Miên
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành NN gắn với chương trình thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) và xây dựng nông thôn mới (NTM); tăng nhanh tỷ trọng ngành chăn nuôi để từng bước trở thành ngành sản xuất chính, từng bước hình thành các vùng NN đặc thù ứng dụng công nghệ cao (CNC) gắn với chế biến, xuất khẩu và phát triển du lịch, tiếp tục xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống có chất lượng cao của cả nước. Bám sát nghị quyết, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cụ thể hóa và đề ra những giải pháp phù hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện, ngành NN đã có bước phát triển ổn định và khá toàn diện, là bệ đỡ của nền kinh tế khi gặp khó khăn, nhất là giai đoạn đại dịch COVID-19. Giá trị sản xuất toàn ngành đến cuối năm 2023 dự kiến đạt hơn 13.576 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,12%/năm, giá trị tăng thêm đạt 5,3%/năm, vượt mục tiêu đề ra 1,3%. Chủ trương cơ cấu lại ngành NN gắn với ứng dụng khoa học – công nghệ, thích ứng với BĐKH được tập trung triển khai, đạt kết quả tích cực. Lĩnh vực trồng trọt đã được cơ cấu lại theo hướng ứng dụng CNC gắn với phát huy hiệu quả hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, nên diện tích đất sản xuất chủ động tưới đạt 62,38%, tăng 2,38% so với năm 2020 và đã chuyển đổi hơn 1.920 ha đất kém hiệu quả sang cây trồng đặc thù có hiệu quả kinh tế cao, đạt 76,83% mục tiêu nghị quyết; giá tiêu thụ nông sản đặc thù ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế bình quân cao hơn 4 lần, giảm hơn 70% lượng nước tưới so với sản xuất lúa.
Nhận thức của nhân dân đã có chuyển biến rõ nét, tích cực trong tổ chức sản xuất nhằm thích ứng với BĐKH. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 143,8 triệu đồng/ha/năm, tăng 22,7 triệu đồng so với 2020; giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 6,3%/năm. Tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh đã có 15 vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp mã số vùng trồng với quy mô 215,534 ha. Đặc biệt, vùng trồng bưởi Phước Bình (Bác Ái) diện tích 23 ha đã đáp ứng các yêu cầu theo quy định của thị trường Hoa Kỳ.
Về đẩy mạnh phát triển NN ứng dụng CNC đạt được kết quả bước đầu, ước đến cuối năm 2023 có 12/15 chỉ tiêu đạt tiến độ, hình thành các vùng sản xuất và thu hút các doanh nghiệp, dự án NN ứng dụng CNC đạt kết quả tích cực. Đã hình thành 15 vùng chuyên canh hướng đến xuất khẩu, phát triển hơn 515 ha diện tích sản xuất NN ứng dụng CNC, đạt 51,57% kế hoạch; hình thành 4 doanh nghiệp NN ứng dụng CNC, vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu 2-3 doanh nghiệp); thu hút đầu tư 37 dự án NN ứng dụng CNC đi vào hoạt động. Giá trị sản xuất NN CNC đạt 938 triệu đồng/ha/năm (mục tiêu 700 triệu đồng/ha/năm), tăng bình quân 32,31%/năm, đóng góp 13,16% vào giá trị sản xuất toàn ngành NN, tăng 7,16% so với năm 2020. Các mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học – công nghệ được nhân rộng; năng suất và chất lượng một số cây trồng chính được nâng lên, nhất là phát triển vùng cây ăn quả đặc thù như: Nho, táo, bưởi da xanh…
Đối với nhiệm vụ phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính được tập trung triển khai, nhất là chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, trang trại tập trung, hiệu quả cao gắn với phòng chống, kiểm soát dịch bệnh đạt kết quả, dần đi vào chiều sâu; các chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm tiếp tục mở rộng. Toàn tỉnh hiện có 105 trang trại ứng dụng CNC; quy mô đàn phát triển ổn định, tăng bình quân 4,5%/năm; chất lượng đàn gia súc được nâng cao, duy trì tỷ lệ đàn dê, cừu lai 90% và tỷ lệ đàn bò lai tăng lên 51%. Giá trị sản xuất chăn nuôi tăng bình quân 6,34%/năm, chiếm tỷ trọng 12,2% toàn ngành NN, tăng 0,4% so với đầu nhiệm kỳ.
Phân loại táo tại Trang trại nho Ba Mọi. Ảnh: Phan Bình
Chủ trương cơ cấu lại nghề khai thác hải sản theo hướng phát triển đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo được tập trung chỉ đạo; mô hình hợp tác sản xuất trên biển được phát huy và nhân rộng; năng lực khai thác được nâng lên, ước đến cuối năm 2023 toàn tỉnh có 834 tàu tham gia khai thác vùng biển xa, tăng 57 chiếc so với năm 2020. Dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển khá, chất lượng được nâng lên; sản lượng khai thác hằng năm đạt trên 120.000 tấn, vượt mục tiêu đề ra. Chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống có chất lượng cao của cả nước đạt mục tiêu đề ra; năng lực sản xuất tăng nhanh, cung ứng khoảng 30% nhu cầu của cả nước; sản lượng trung bình hằng năm đạt 40 tỷ con. Nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi biển, ưu tiên vùng nước sâu và chuyển từ tôm thương phẩm sang thủy sản giá trị cao đạt kết quả tích cực; giá trị sản xuất nuôi thủy sản giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 3,51%/năm.
Lĩnh vực xây dựng NTM gắn phát triển kinh tế nông thôn đã được các ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Ước đến hết năm 2023 toàn tỉnh có 2/7 huyện, thành phố đạt chuẩn huyện NTM; 33/47 xã đạt chuẩn xã NTM, đạt 70,2%, trong đó có 14 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 50/254 thôn đạt chuẩn thôn NTM, trong đó có 2 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu.
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra về lĩnh vực NN, từ nay đến hết nhiệm kỳ, ngành NN tập trung cho công tác thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng NN, nông thôn, nâng cao năng lực thích ứng hiệu quả với BĐKH; trong đó, chú trọng cơ cấu lại ngành thủy lợi theo hướng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, liên thông các hồ chứa, liên thông các hệ thống tưới để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước. Hoàn thiện quy hoạch phân khu các khu, vùng NN CNC để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế phát triển NN ứng dụng CNC. Phát triển kinh tế NN theo hướng tích hợp đa giá trị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông sản gắn với du lịch NN, nông thôn. Hoàn thành đề án phát triển sản xuất NN bền vững tại khu vực tưới thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ để phát triển vùng trồng cây ăn quả CNC phục vụ xuất khẩu.
Anh Tùng