Trong 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp những khó khăn do tình hình thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, song hoạt động thương mại, dịch vụ vẫn duy trì được sự ổn định và có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, 6 tháng đầu năm tuy không chịu ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh như năm trước, nhưng trong diễn biến phức tạp khó lường của nền kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh doanh. Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và đạt kế hoạch đề ra, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030, đồng thời triển khai nhiều hoạt động, thông tin về các chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) tại nước ngoài đến các doanh nghiệp (DN) biết, đăng ký tham gia. Qua đó, có 6 đơn vị, DN, tham dự Hội nghị xúc tiến hợp tác Ấn Độ và các tỉnh Nam Trung Bộ tại tỉnh Khánh Hòa; 10 DN được hỗ trợ tham gia kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các DN xuất khẩu tại Đà Nẵng. Ngoài ra, triển khai đến các DN xuất khẩu tiềm năng tham dự Hội nghị giao ban XTTM trực tuyến với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 829/KH-UBND của UBND tỉnh về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, ngành Công Thương tập trung hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất nhằm tăng năng suất, sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Theo đó, có 11 đơn vị, DN được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng, thuộc các ngành nghề như: Chế biến nông sản, sản xuất sản phẩm tiêu dùng.
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Ảnh: V.Miên
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công và XTTM tích cực hỗ trợ DN tiêu thụ hàng nông sản, quảng bá giới thiệu sản phẩm với nhiều hình thức như: Kết nối giao thương, tổ chức cho DN gặp gỡ, tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu, tạo môi trường thuận lợi để phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của tỉnh. Tính đến hết tháng 6, đã tổ chức cho 26 lượt đơn vị tham gia hội nghị XTTM; tổ chức cho 31 DN của tỉnh gặp gỡ, kết nối với nhà phân phối lớn tại TP. Hồ Chí Minh.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, hoạt động thương mại trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục phục hồi mạnh và tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng 6 tháng đạt hơn 18.757 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ, đạt 58%; giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 43,8 triệu USD, đạt 29,2% kế hoạch đề ra. Nổi bật 6 tháng đầu năm có 1 sản phẩm mới là thú nhồi bông xuất khẩu sang các thị trường Anh, Mỹ, Úc,… kim ngạch ước đạt 1,7 triệu USD. Các DN, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và các cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các mặt hàng thiết yếu, giá cả không có biến động bất thường, sức mua trên thị trường tiếp đà tăng trưởng.
Trong 6 tháng cuối năm, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp các địa phương khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa; chú trọng phát triển các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ và năng lực cạnh tranh, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ cho sản xuất cũng như đời sống nhân dân. Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình XTTM đối với sản phẩm nông sản đặc thù, sản phẩm OCOP của tỉnh gắn với Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thực hiện tốt hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố, liên kết vùng để hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng trong và ngoài nước. Triển khai công tác chuyển đổi số trong hoạt động XTTM, trong đó trọng tâm là phối hợp với bộ phận chuyên môn thuộc Bộ Công Thương xây dựng hệ sinh thái XTTM số, làm cơ sở dữ liệu phục vụ công tác XTTM, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên cả nước thông qua các nền tảng số. Tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, góp phần bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất và người tiêu dùng.
Anh Thi