Đại tướng Đoàn Khuê, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là nhà chính trị xuất sắc, nhà lãnh đạo, chỉ huy quân sự tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cả cuộc đời và sự nghiệp của ông là một tấm gương sáng ngời, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhất mực trung thành, tận tụy, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Ông cũng là người con ưu tú của quê hương Quảng Trị.
Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa I (1992). Ảnh: Trần Sơn/TTXVN
Tận tâm với quê hương Quảng Trị
Đại tướng Đoàn Khuê, bí danh là Võ Tiến Trình, sinh ngày 29/10/1923 ở làng Gia Đẳng, xã Triệu Tân (nay là xã Triệu Lăng), huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông sinh trưởng trong một gia đình giàu lòng yêu nước, có truyền thống đấu tranh cách mạng. Năm 1930, lúc mới 16 tuổi, ông đã tham gia phong trào Thanh niên phản đế, sau đó làm Bí thư Thanh niên Cứu quốc huyện Triệu Phong.
Cuối năm 1940, ông bị địch bắt giam ở nhà lao Quảng Trị, sau đó bị đưa đi đày ở Buôn Ma Thuột. Tháng 5/1945, ra tù, ông về hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng tỉnh Quảng Bình. Tháng 6/1945, ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Sau đó, liên tục trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông chiến đấu, chỉ huy chiến trường Khu 5. Sau khi đất nước thống nhất, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 5.
Năm 1986, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 719, Trưởng ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Từ 1987-1991, ông là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; giai đoạn 1991-1997, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Đại tướng Đoàn Khuê là nhà chính trị, quân sự xuất sắc, có nhiều đóng góp cho Đảng, dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam (1986). Ảnh: TTXVN
Với cương vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Trị Thiên và Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, dù bận rộn với công việc chung của đất nước, Đại tướng Đoàn Khuê vẫn luôn làm tròn chức trách, nhiệm vụ với quê hương Quảng Trị. Những năm giao thông chưa phát triển, ông phải xắn quần đi bộ trên cát hàng cây số mới đến được với cử tri vùng biển nghèo khó.
Đại tướng cũng nhiều lần đi xe tải cùng cán bộ, chiến sỹ biên phòng, vượt qua nhiều đèo, dốc hiểm trở để đến với cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Mỗi lần về công tác, tiếp xúc cử tri tại quê hương Quảng Trị, Đại tướng Đoàn Khuê luôn dành thời gian đi thăm để tìm hiểu thực tế cuộc sống của người dân. Đến đâu, ông cũng quan tâm hỏi han cặn kẽ từ việc sản xuất, chăn nuôi đến học hành, chữa bệnh, chăm chú lắng nghe và tìm hiểu kỹ những thắc mắc, nguyện vọng của cử tri, động viên nhân dân vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế – xã hội. Đi đến đâu, Đại tướng cũng được nhân dân, cử tri tiếp đón nồng hậu bởi phong cách giản dị, nghĩa tình, đầy trách nhiệm.
Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê với các đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (1994). Ảnh: Minh Điền/TTXVN
Ông Hoàng Đức Thắng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết: Khi làm việc với lãnh đạo địa phương, Đại tướng Đoàn Khuê luôn chỉ rõ những vấn đề cử tri nêu ra thuộc trách nhiệm của cơ quan nào, chính quyền cấp nào giải quyết, khó khăn, ách tắc từ đâu. Từ đó, Đại tướng nhắc nhở, dặn dò cán bộ địa phương: “Dân mình còn nghèo, cuộc sống còn lắm gian lao. Lo cho cuộc sống của bà con là trách nhiệm của Đảng và chính quyền. Phải chú ý lắng nghe ý kiến của dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân; phải có những chủ trương hết sức cụ thể, thiết thực đối với người dân; đặc biệt là những chủ trương về xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa, xã hội, chính sách đối với gia đình có công với cách mạng”. Đại tướng cũng nhắc nhở: “Nếu có thể làm ngay được việc gì bà con yêu cầu thì làm, chứ đừng hứa rồi không làm là mất lòng tin của dân”.
Đồng chí Đoàn Khuê (thứ 3, trái sang) cùng Đoàn đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986). Ảnh: Kim Hùng/TTXVN
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng, dù ở cương vị, trọng trách nào, ở bất cứ đâu, trong tâm khảm đồng chí Đoàn Khuê luôn hướng về quê hương Quảng Trị, coi quê hương là mạch nguồn, điểm tựa trong cuộc đời hoạt động của mình. Mỗi khi có dịp về thăm quê, đồng chí dành thời gian quý báu đi đến vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn để tìm hiểu, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, động viên nhân dân vượt qua khó khăn, xây dựng đời sống mới. Đại tướng luôn căn dặn và chỉ đạo nhiều ý kiến tâm huyết với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, từng bước xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng phát triển đi lên, người dân ấm no, hạnh phúc.
Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê thăm gian hàng quân đội tại Hội chợ thương mại Quốc tế Việt Nam 1994. Ảnh: Phương Thảo/TTXVN
Quê hương Triệu Lăng ngày càng khởi sắc
Đến xã Triệu Lăng, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về nghĩa tình của Đại tướng Đoàn Khuê với quê hương. Đó là hình ảnh của một vị tướng giản dị, liêm khiết và mẫu mực, tình cảm sâu nặng với người dân Triệu Lăng và quê hương Quảng Trị. Đi đến đâu, Đại tướng cũng ân cần thăm hỏi nhân dân, cán bộ; nhắc nhở Đảng bộ xã dành nhiều thời gian, tâm sức hơn nữa quan tâm đến phát triển kinh tế, việc làm, đời sống của người dân. Đặc biệt, ông luôn đau đáu làm sao cho quê hương ngày càng giàu mạnh, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Không e dè, xa cách, mỗi lần gặp gỡ Đại tướng, người dân Triệu Lăng đều cởi mở, nêu hết những thắc mắc, trăn trở, bày tỏ niềm phấn khởi trước những đổi mới của quê hương.
Đại tướng Đoàn Khuê, Ủy viên Bộ Chính trị đón đồng chí Kaysone Phomvihane, Chủ tịch BCH TW Đảng NDCM Lào sang dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991). Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN
Ông Đặng Quang Hải, Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng cho biết, xã đã có sự phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Từ một xã bãi ngang nghèo, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất về văn hóa, giáo dục, y tế còn nhiều thiếu thốn, đến nay, thu nhập bình quân đã đạt 55,7 triệu đồng/người/năm, các ngành nghề phát triển mạnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,28%. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn xã phát triển mạnh. Toàn xã có 5/5 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa.
Số hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa chiếm 98%. Các hoạt động văn hóa quần chúng phát triển sôi nổi, phong trào thể dục thể thao phát triển rộng khắp, mỗi thôn đều có nhà văn hóa, sân thể dục thể thao, khu vui chơi cho trẻ em và người cao tuổi. Năm 2023, xã Triệu Lăng được UBND tỉnh Quảng Trị quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, quê hương ngày càng khởi sắc. Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực càng làm tăng thêm lòng tin của nhân dân với Đảng, tạo tiền đề quan trọng để xã có bước phát triển mới trong giai đoạn tiếp theo.
Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê thăm và làm việc tại Quân khu 5 (1996). Ảnh: Xuân Quang/TTXVN
“Tấm gương trung hiếu, một lòng vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì quê hương của Đại tướng Đoàn Khuê mãi tỏa sáng, nhắc nhở mỗi người con trên quê hương Triệu Lăng anh hùng phải luôn phấn đấu, học tập, rèn luyện không ngừng, xứng đáng là thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng trên quê hương Đại tướng. Chúng tôi nguyện mãi học tập tấm gương của Đại tướng Đoàn Khuê, xem đây là sức mạnh, nguồn lực để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp như niềm tin, niềm mong mỏi của Đại tướng”- ông Lê Xuân Lộc, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Lăng chia sẻ.
Theo TTXVN/Báo Tin tức