Huyện Yên Mô được coi là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát Xẩm và là quê hương của cố nghệ nhân hát Xẩm nổi tiếng Hà Thị Cầu-người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, cũng như nhiều loại hình âm nhạc dân tộc khác, hát Xẩm, hát Chèo phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, năm 2013, khi Nghệ sĩ Ưu tú Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là “báu vật nhân văn sống”, “người giữ hồn Xẩm” qua đời, hát xẩm ở Yên Mô đứng trước nguy cơ thất truyền. Mặt khác, công chúng, nhất là giới trẻ lại có xu hướng thích xem các loại hình nghệ thuật cho là mới lạ đã khiến cho nghệ thuật truyền thống như hát Chèo, hát Xẩm gặp rất nhiều khó khăn về công chúng, môi trường diễn xướng…
Đồng chí Nguyễn Xuân Bính, Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Yên Mô cho biết: Trước thực trạng trên, những năm qua, huyện Yên Mô đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giữ gìn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là hát Xẩm, hát Chèo. Theo đó, huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm duy trì và phát huy nghệ thuật hát Xẩm, hát Chèo, coi đây là nhiệm vụ vừa có tính chiến lược lâu dài, vừa trọng tâm, cấp bách. Phòng Văn hóa-Thông tin huyện cũng đã tích cực tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tham gia các cuộc thi liên hoan hát Chèo, Xẩm tại địa phương.
Ngoài ra, huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi để thành lập, phát triển các CLB văn hóa, văn nghệ, đặc biệt CLB nào có nhu cầu học về các làn điệu hát Chèo, hát Xẩm hoặc bồi dưỡng kỹ năng nhạc công thì tùy theo điều kiện cụ thể sẽ được tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn thêm. Đồng thời quan tâm, tạo điều kiện để các CLB hát Chèo, hát Xẩm của địa phương được giao lưu, học hỏi với các CLB văn nghệ trong tỉnh.
Xác định, công tác bảo tồn thông qua truyền dạy thực hành là hết sức quan trọng, do đó hàng năm, Phòng Văn hóa-Thông tin đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức đào tạo các lớp nghệ nhân kế cận, đặc biệt là nghệ nhân trẻ như: giáo viên âm nhạc các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn, hội viên các Câu lạc bộ hát Chèo, hát Xẩm và các em học sinh Tiểu học, THCS có năng khiếu, đam mê về âm nhạc. Từ năm 2014 đến năm 2023, huyện đã mở được 13 lớp truyền dạy hát Xẩm. UBND huyện Yên Mô cũng đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao mời các nghệ nhân, nghệ sỹ ưu tú ở Trung ương và địa phương sưu tầm các làn điệu, các bài hát Xẩm cổ truyền, biên soạn chương trình và trực tiếp truyền dạy nghệ thuật hát Xẩm cho các diễn viên, nhạc công Nhà hát chèo Ninh Bình, các diễn viên quần chúng ở xã Yên Phong và các xã lân cận thuộc huyện Yên Mô.
Sau khi được truyền nghề, các học viên tham gia dàn dựng, biểu diễn chương trình hát Xẩm nhằm giới thiệu, quảng bá sâu rộng nghệ thuật hát Xẩm tới công chúng và truyền nghề cho lớp trẻ kế cận. Đồng thời thường xuyên tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ tại các sự kiện chính trị của tỉnh, huyện và địa phương, góp phần từng bước đưa môn nghệ thuật này thấm sâu vào đời sống nhân dân, có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Mận, con gái của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu tự hào chia sẻ: Năm 2018 từ sự góp sức của những người yêu hát Xẩm, câu lạc bộ (CLB) mang tên cụ Hà Thị Cầu ra đời với mong muốn được cùng nhau gìn giữ chất Xẩm dân gian. Đến năm 2021, được sự quan tâm của tỉnh, huyện, CLB chính thức được ngành chức năng công nhận, từ đây hoạt động của CLB nền nếp hơn. Từ 12 thành viên ban đầu, đến nay, CLB có 35 thành viên. Những người đến với CLB hát Xẩm Hà Thị Cầu đều có chung niềm đam mê đặc biệt với bộ môn nghệ thuật này. Hiện nay, CLB đang truyền dạy cho 22 em học sinh đến từ các xã Yên Phong, Yên Từ, Yên Nhân (Yên Mô) và một số xã của huyện Yên Khánh. Điều đặc biệt ở CLB, ngoài bà Mận- một trong những tuyền nhân của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu thì chắt ngoại của cụ- em Đinh Thùy Linh với chất giọng tốt và khả năng kéo nhị điêu luyện cũng đã tích cực tham gia hỗ trợ truyền dạy kéo nhị cho các học viên.
Theo bà Mận, kinh phí duy trì hoạt động của CLB do các thành viên tự nguyện đóng góp nên nhiều khi cũng gặp khó khăn nhất định, song mỗi lần được truyền nghề cho các học trò cũng là lúc bà và các thành viên CLB được chia sẻ niềm say mê hát Xẩm với mọi người, đó là niềm vui, hạnh phúc. Chính niềm đam mê hát Xẩm của bà Mận và các thành viên trong CLB hát Xẩm Hà Thị Cầu đã, đang truyền cảm hứng cho nhiều người, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này.
Cùng với CLB hát Xẩm Hà Thị Cầu, hiện toàn huyện Yên Mô có gần 30 CLB, đội văn nghệ với trên 600 thành viên tham gia rộng khắp tại các xã, thị trấn. Từ năm 2013 đến nay, huyện đã tổ chức nhiều cuộc Liên hoan các CLB hát Xẩm, hát Chèo và Hội diễn Nghệ thuật quần chúng, thu hút nhiều đội văn nghệ tham gia với các tiết mục đặc sắc. Các đội văn nghệ của huyện tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ do tỉnh tổ chức cũng đạt được nhiều thành tích cao như: đạt Huy chương Vàng tiết mục hát Xẩm tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Ninh Bình năm 2014; đạt 2 giải A, 1 giải B và giải Nhì toàn đoàn tại Liên hoan ca khúc cách mạng tỉnh Ninh Bình năm 2019; 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 đạt giải Ba tại Hội thi Văn nghệ, Thể thao các xã Nông thôn mới tỉnh Ninh Bình lần thứ I (năm 2019); 1 giải A, 2 giải B, 1 giải C và 5 giải khuyến khích tại Liên Hoan hát Xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc- tỉnh Ninh Bình (năm 2019); 2 giải A tại Liên hoan các CLB Nghệ thuật truyền thống không chuyên tỉnh Ninh Bình (năm 2020); 2 giải A, 2 giải B và 6 giải khuyến khích tại Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022; đạt 2 giải A tại Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng 2023…
Đặc biệt, năm 2023, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết thông qua Đề án “Hỗ trợ hoạt động các CLB hát Xẩm, hát Chèo và Đội văn nghệ hát Xẩm, hát Chèo huyện Yên Mô, giai đoạn 2023-2025”. Nghị quyết được ban hành đã tạo cơ chế chính sách quan trọng để đẩy mạnh hoạt động của các CLB đã thành lập; khuyến khích và duy trì hoạt động của các CLB thành lập mới để nghệ thuật hát Xẩm, hát Chèo trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với phát triển du lịch bền vững trên địa bàn huyện Yên Mô.
Với các hoạt động truyền dạy hát Xẩm, hát Chèo biểu diễn, phục vụ các sự kiện và biểu diễn phục vụ khách du lịch cùng nỗ lực từ hoạt động của các cơ quan chức năng ở địa phương, nghệ thuật hát xẩm đang được bảo tồn, phát huy ở Yên Mô, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của tỉnh, đóng góp vào việc định vị điểm đến của du lịch Ninh Bình. Cũng từ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, sự chung tay góp sức người dân Yên Mô, năm 2022, nghệ thuật trình diễn dân gian hát Xẩm đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Để giữ gìn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là hát Xẩm, hát Chèo thời gian tới, huyện Yên Mô tích cực tuyên truyền, quảng bá loại hình nghệ thuật này gắn với phát triển du lịch; tăng cường mở rộng giao lưu, chia sẻ giữa các nhóm, CLB Xẩm, hát Chèo trong và ngoài huyện, từ đó tạo ra công chúng và bổ sung nguồn diễn viên từ phong trào văn nghệ quần chúng. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hoạt động các CLB hát Xẩm, hát Chèo và Đội văn nghệ hát Xẩm, hát Chèo huyện Yên Mô, giai đoạn 2023-2025” với phương châm huy động các nguồn lực động viên, khuyến khích nhân dân tham gia công tác bảo tồn các loại hình nghệ thuật gắn với phát triển du lịch cộng đồng, góp phần đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống phát triển bền vững.
Mai Lan
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/yen-mo-gin-giu-phat-huy-cac-loai-hinh-nghe-thuat-hat-xam-hat/d20240616085158440.htm