Yên Khánh là huyện đi đầu của tỉnh về phong trào xây dựng nông thôn mới và cũng là địa phương được tỉnh tin tưởng giao trọng trách xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Đây là một trong những tiền đề để Ninh Bình xây dựng tỉnh nông thôn mới trong năm 2024. Xác định nhiệm vụ quan trọng này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Khánh đã bắt tay ngay vào công cuộc kiến thiết mới trên nền tảng những thành quả đã đạt được của huyện nông thôn mới.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Văn Thắng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh phấn khởi cho biết: Bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong điều kiện đó, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Yên Khánh đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. 4/9 chỉ tiêu chủ yếu của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đến nay, sản xuất nông nghiệp ở Yên Khánh theo hướng nông nghiệp hữu cơ, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị. Yên Khánh luôn được đánh giá là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm, mô hình có giá trị kinh tế cao. Toàn huyện có 250 mô hình có giá trị kinh tế cao. Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 162 triệu đồng.
Huyện đã định hướng và ban hành nhiều chủ trương, cơ chế hỗ trợ trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như: hỗ trợ máy móc, thiết bị nông nghiệp phục vụ sản xuất; hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm. Chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm” được đẩy mạnh và đạt hiệu quả; toàn huyện đã xây dựng được 26 sản phẩm OCOP.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được đẩy mạnh; toàn huyện có 2 khu công nghiệp, 2 cụm công nghiệp, 7 làng nghề hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn công nhân lao động địa phương và các khu vực lân cận, góp phần tạo thu nhập ổn định cho người dân. Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được tăng cường. Đến nay, các công trình do huyện làm chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách cấp huyện không có nợ xây dựng cơ bản.
Đặc biệt, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết để lãnh đạo; HĐND huyện ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, tổng nguồn lực huy động cho xây dựng nông thôn mới nâng cao đạt 2.275 tỷ đồng. Hiện nay, toàn huyện đã có 12 xã đạt chuẩn nông thôn nâng cao, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí và hồ sơ bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, đang trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tổ công tác thẩm định của tỉnh đã kiểm tra, thống nhất huyện Yên Khánh đủ các điều kiện để đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Cùng với đó, các phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; các giá trị truyền thống như hát chèo, múa trống dân gian… được bảo tồn và phát triển. Huyện đang tích cực hoàn thiện hồ sơ “Nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng” đệ trình UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại tỉnh Ninh Bình (Yên Khánh có 62/115 CLB chèo toàn tỉnh). Chất lượng giáo dục và đào tạo luôn giữ vững ở tốp đầu của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 68,78 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững xuống còn 1,06% (theo tiêu chí nghèo đa chiều).
Nhấn mạnh về thành công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu về phát triển kinh tế – xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đã đề ra, đồng chí Bí thư Huyện ủy Hoàng Văn Thắng nêu rõ: Có thể khẳng định rằng trong nửa nhiệm kỳ qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, của huyện phù hợp, sát đúng với yêu cầu của thực tiễn, nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; nêu cao vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Huyện đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Nổi bật là đã thực hiện hiệu quả việc tổ chức hội nghị trực tuyến trong toàn Đảng bộ để đưa các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, huyện đến từng cán bộ, đảng viên.
Yên Khánh cũng là địa phương đã mạnh dạn, quyết liệt trong thực hiện nhiều chủ trương của tỉnh về công tác cán bộ, nhất là chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp xã không là người địa phương. Đến nay, toàn huyện đã có 16/19 xã, thị trấn có đồng chí thường trực cấp ủy không là người địa phương, 3 xã còn lại sẽ thực hiện trong thời gian tới. Việc bố trí, sắp xếp cán bộ ở cơ sở, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, xóm, phố được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở.
Các phong trào thi đua yêu nước được đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hưởng ứng. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Bước vào những năm cuối của nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp; thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường. Kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Song cũng có nhiều thuận lợi đó là những thành tựu và bài học kinh nghiệm sau 30 năm tái lập huyện, kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Những thuận lợi này được Đảng bộ huyện Yên Khánh xác định là những lợi thế mới, có tác động trực tiếp, tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội của huyện trong thời gian tới.
Nhiệm vụ quan trọng mà Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra là xây dựng Yên Khánh trở thành huyện nông thôn mới nâng cao. Để đạt được mục tiêu này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tiến hành hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đề ra những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, sớm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đã đề ra.
Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện quyết định điều chỉnh, bổ sung 9 chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020 – 2025 cho phù hợp với các quy định hiện hành. Cùng với đó, huyện Yên Khánh cũng xác định đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp an toàn, sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả bền vững, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng.
Tham mưu rà soát, điều chỉnh bổ sung các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện phù hợp với yêu cầu phát triển và thu hút đầu tư. Tập trung hoàn thành và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng huyện giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050. Tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong cả hệ thống chính trị. Chăm lo phát triển lĩnh vực văn hóa-xã hội. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng chất lượng giáo dục mũi nhọn. Thực hiện đầy đủ chính sách với người có công và các đối tượng chính sách khác; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, đẩy mạnh cải cách hành chính, làm tốt công tác dân vận. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức và năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Nguyễn Thơm