Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu đã và đang chịu tác động mạnh từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn cũng như sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu. Vì vậy, đối với Ninh Bình, để đạt được mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng 3,1% cho cả năm 2023 là một thách thức lớn.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm
Những tác động sau khi “bão dịch COVID-19” đi qua và xung đột địa chính trị ở một số nước trên thế giới là lạm phát và kinh tế toàn cầu suy giảm sâu, đặc biệt đối với các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tổng cầu kinh tế thế giới và các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam suy giảm.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng từ cuối năm 2022 rất nhiều đơn hàng bị cắt giảm, hoãn hủy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không ký được đơn hàng mới, sức mua trên thị trường giảm, hàng tồn kho nhiều, một số doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải sản xuất cầm chừng… Do vậy, lĩnh vực xuất, nhập khẩu chưa có dấu hiệu phục hồi, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2023 đạt 268,3 triệu USD, giảm 14,4%; lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 2.044,2 triệu USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ. Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm sút so với cùng kỳ như: quần áo các loại giảm 21,8%; giầy dép các loại giảm 30,5%; camera và linh kiện giảm 31,6%…
Chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu trong tháng đạt 253,3 triệu USD, giảm 9,6%; lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 1.857,9 triệu USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2022; tập trung vào các nhóm mặt hàng như: linh kiện điện tử, linh kiện phụ tùng ô tô, vải và phụ liệu may mặc, phụ liệu sản xuất giày dép…
Đồng chí Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Nguyên nhân của sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay chủ yếu do các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm.
Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh ta chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da – giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu. Thêm vào đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…
Dự báo của các cơ quan chức năng cho rằng: Từ nay đến cuối năm, nền kinh tế thế giới rất khó đoán định, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với lạm phát, theo đó các doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu tiếp tục chịu nhiều thách thức từ việc thiếu đơn hàng, lãi suất cao, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, bất lợi.
Nỗ lực khơi thông thị trường
Mặc dù xuất khẩu đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song đồng chí Phó Giám đốc Sở Công Thương vẫn nhận định: Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trong năm 2023 bởi tình hình sụt giảm hiện nay chủ yếu là do vấn đề từ góc độ thị trường, còn đối với nội tại nền kinh tế thì năng lực sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn vẫn rất tốt, không bị những yếu tố ảnh hưởng như dịch bệnh hay các yếu tố về đứt gãy nguồn cung nguyên liệu… đấy là thuận lợi để giúp cho doanh nghiệp có thể sẵn sàng phục hồi sản xuất và xuất khẩu khi mà thị trường được cải thiện.
Để thực hiện chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 3.250 triệu USD, tăng 3,1% so với năm 2022, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực trọng điểm, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực xuất khẩu, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài theo sát diễn biến của kinh tế thế giới từ đó kịp thời cung cấp thông tin và đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN), đồng thời tập trung vào các thị trường mới.
Cùng với đó là các giải pháp nhằm khơi thông thị trường xuất khẩu như đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng về hình thức và thị trường; phối hợp với Bộ Công Thương triển khai đề án hỗ trợ doanh nghiệp tham gia mạng lưới phân phối của các chuỗi bán lẻ nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các nền tảng thương mại điện tử,… Tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường…
Đồng chí Ngô Minh Kim cũng thông tin thêm: Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Ninh Bình đã và đang triển khai các biện pháp hỗ trợ và khuyến khích xuất khẩu nhằm thúc đẩy sự phục hồi của ngành xuất khẩu. Bao gồm việc tăng cường giải ngân các gói tín dụng xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm và hỗ trợ nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp xuất khẩu về sản xuất và tiêu dùng bền vững đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm