Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 10 năm 2023 của tỉnh tăng 21,5% so với cùng kỳ. Mức tăng của tháng 10 là rất khả quan, chấm dứt chuỗi tăng trưởng âm suốt 2 quý đầu năm, nâng giá trị xuất khẩu quý III tăng 6,6%. Điều này cho thấy, các giải pháp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và sự nỗ lực của doanh nghiệp đã mang lại kết quả tích cực. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao vào dịp cuối năm kỳ vọng sẽ tiếp thêm sức cho đà hồi phục của xuất khẩu.
Tín hiệu phục hồi tích cực
Trong bối cảnh tổng cầu thế giới sụt giảm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung, của tỉnh Ninh Bình nói riêng, hoạt động xuất, nhập khẩu từ đầu năm đến nay của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều đơn hàng bị cắt giảm, hoãn hủy, số lượng đơn hàng mới thấp; một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị giảm sút so với cùng kỳ năm trước kéo theo đó là giá trị các mặt hàng nhập khẩu cũng giảm đáng kể do các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu cho sản xuất.
Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp thực hiện hiệu quả một số chính sách hỗ trợ; chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đã có tác động tích cực đến hoạt động của các doanh nghiệp.
Đồng chí Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, Sở Công Thương đã trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển xuất khẩu của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA); Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP)… Trong đó đã đề ra các giải pháp, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện; hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khai thác lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Qua đó duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ổn định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế như: Camera module và linh kiện điện tử, linh kiện ô tô, hàng may mặc, da giầy, hàng nông sản chế biến, thủ công mỹ nghệ…, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển, củng cố, mở rộng và đa dạng thị trường xuất khẩu; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tận dụng các lợi thế trong quá trình hội nhập quốc tế, chủ động, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu nhằm tăng cường năng lực sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương triển khai 124 đề án với tổng kinh phí hơn 13,7 tỉ đồng cho các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như: Tham gia hội chợ trong và ngoài nước; khảo sát, tìm kiếm, mở rộng thị trường; giao lưu, hợp tác kinh tế với nước ngoài, tổ chức các hội nghị kết nối cung – cầu… Qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng có sự linh hoạt, nỗ lực vượt khó, chủ động trong sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thêm các thị trường mới, khai thác tốt lợi thế từ các FTA mang lại.
Với những giải pháp trên, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có tín hiệu tích cực sau nhiều tháng suy giảm. Cụ thể, bước sang quý III năm 2023, hoạt động xuất, nhập khẩu có xu hướng phục hồi, giá trị xuất khẩu quý III tăng 6,6%, trong khi quý I giảm 5,7%, quý II giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2023 của tỉnh đạt 2.397 triệu USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022, bằng 73,8% kế hoạch năm. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 10 năm 2023 đạt 298,4 triệu USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 10 tháng đạt 2.654,8 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn như: quần áo các loại 258 triệu USD; xi măng, clanke 621,1 triệu USD; giầy dép các loại 633,3 triệu USD; camera và linh kiện điện thoại 598,4 triệu USD; linh kiện điện tử 97,7 triệu USD; phôi nhôm 54,4 triệu USD; linh kiện, phụ tùng ô tô các loại 78,9 triệu USD…
Các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh gồm 3 nhóm chính là: hàng công nghiệp chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ và hàng nông sản tiếp tục có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỉ trọng các mặt hàng công nghiệp chế biến. Nhóm hàng công nghiệp chế biến chủ yếu như: Camera và linh kiện điện thoại, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô, giầy dép, sản phẩm may mặc, xi măng – clinker… Đến nay, các sản phẩm của tỉnh đã xuất khẩu sang thị trường của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số mặt hàng đã tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) nên kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Âu tăng so với cùng kỳ năm 2022 là: nông sản chế biến tăng 30,1%; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tăng 15,5%; sản phẩm giầy dép tăng 7,3%… Bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường khác cũng có mức tăng trưởng tốt như: xi măng – clinker tăng 80,3%; ô tô và linh kiện ô tô (ống sả, dây cáp điện, cổng USB…) tăng 54,1%; sản phẩm sợi tăng 21,7%; linh kiện điện tử tăng 12%…
Cơ hội tăng tốc
Mặc dù nhiều chuyên gia kinh tế vẫn dự báo, từ nay đến cuối năm, bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến nhanh, khó lường do lạm phát vẫn ở mức cao tại các thị trường; chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy; giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất cao…
Tuy nhiên, nhận định về triển vọng xuất khẩu những tháng cuối năm, đồng chí Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Có nhiều yếu tố để tin tưởng thị trường xuất khẩu cuối năm sẽ khởi sắc. Tình hình quốc tế đang có nhiều chuyển biến tốt, các thị trường xuất khẩu mục tiêu đã và đang áp dụng các biện pháp để kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tiêu dùng, sẽ tạo đà thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng thường tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm, kỳ vọng sẽ tiếp thêm sức cho đà hồi phục của xuất khẩu. Do đó, để tận dụng thời cơ này, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường các giải pháp tiếp tục hỗ trợ tối đa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế, hỗ trợ tín dụng… Qua đó, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu có động lực duy trì sản xuất, kinh doanh, có nguồn vốn nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu.
Ngoài ra, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định với Israel, ký kết các FTA với các đối tác có nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR…) nhằm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm