Mang “di họa da cam” là vết thương hậu chiến khó chữa lành đối với những cựu chiến binh từng vào sinh ra tử. Những năm qua, bằng các chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, sự yêu thương, đùm bọc của cộng đồng đã thắp lên ngọn lửa niềm tin, để các nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ vơi dần nỗi đau, hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Nỗi đau của cựu binh
Hàng chục năm nay, một ngày mới đối với bà Vũ Thị Am, 86 tuổi (thôn Đông Sơn, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô) bao giờ cũng bắt đầu từ rất sớm. Không phải để tập dưỡng sinh, không phải để ăn một bữa sáng thật chỉn chu do các con, cháu chuẩn bị… mà là để tất bật dọn dẹp, chăm sóc cho cô con gái đã ngoài 50 tuổi.
Bà Am bảo, mọi đau đớn của cuộc đời, bà đã nếm trải đủ. Bà còn nhớ rõ, ngày chồng bà là anh lính trẻ Nguyễn Ngọc Bích xuất ngũ về địa phương và nên duyên với bà, đôi vợ chồng trẻ đã đặt ra biết bao ước mơ đẹp, bao nhiêu mục tiêu để cùng nhau phấn đấu đi tới. Giờ, ở độ tuổi gần đất, xa trời, nghĩ lại những ước mơ xa ấy, bà Am bảo vợ chồng bà không thực hiện được một mục tiêu nào cả. Tất cả chỉ quay cuồng với nỗi lo sợ, với việc chăm sóc, chữa trị cho các con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam từ bố. “Tôi sinh lần lượt 7 người con, thì 2 đứa con trai đã mất từ khi còn rất nhỏ, 1 đứa con gái thân hình co quắp, đau đớn vì bệnh tật. Các con gái còn lại lấy chồng ở trong miền Nam xa xôi và hoàn cảnh cũng khó khăn.
Hiện nay, việc chăm sóc cho con gái tật nguyền là công việc chính của hai vợ chồng tôi. Tuy vậy, chúng tôi đã quá già, thời gian để tôi làm nghĩa vụ một người mẹ là hữu hạn. Tôi không còn đớn đau, tủi phận nữa mà thay vào đó là chấp nhận số phận, là dành hết tình yêu và trách nhiệm để chăm sóc đứa con gái tật nguyền”- bà Am tâm sự.
Ông Bích năm nay 87 tuổi. Ông bảo mình đã đi gần trọn cuộc đời rồi. Làm cha, làm mẹ của những đứa con đau yếu về thể xác, tổn thương về tinh thần ấy, vợ chồng ông đau đớn lắm. Những năm qua, các chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh dành cho người có công với cách mạng ngày càng được hoàn thiện, góp phần quan trọng vào việc cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình ông. Ông Bích vừa là thương binh, bệnh binh và là nạn nhân chất độc da cam.
Nếu như trước đây, ông Bích chỉ được hưởng mức trợ cấp cao nhất, thì hiện nay ông đã được hưởng đủ cả 3 chế độ theo tinh thần Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Trợ cấp tăng, vì vậy mà cuộc sống của vợ chồng ông Bích bớt khó về vật chất.
Sự lo lắng lớn nhất của ông bà bây giờ là dành cho cô con gái tật nguyền: “Chúng tôi lo lắm. Sau này, khi chúng tôi già yếu rồi về với tổ tiên thì con gái sẽ như thế nào. Vợ chồng tôi luôn động viên nhau cố gắng để chăm sóc cho con. Những năm tháng chiến đấu trước họng súng của kẻ thù đã rèn luyện cho tôi sự mạnh mẽ, kiên cường. Nhưng nhìn con đau đớn với cơ thể khiếm khuyết vì chất độc hóa học, nước mắt tôi đã rơi”- ông Bích nói.
Chung tay vì nạn nhân da cam
Những năm qua, bên cạnh chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều tổ chức, cá nhân cũng luôn đồng hành chia sẻ về vật chất, tinh thần đối với những nạn nhân da cam. Điển hình như Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm Dioxin tại Pháp (VNED). Đây là tổ chức tự nguyện của những người dân nước Pháp và cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, được thành lập năm 2001, với mục đích giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam.
Từ năm 2004 đến năm 2023, Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm Dioxin tại Pháp phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình trợ giúp cho trên 100 lượt trẻ em nghèo, nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền là trên 3 tỉ đồng thông qua 3 hình thức trợ giúp: Nhận đỡ đầu, trao học bổng và cho vay vốn không tính lãi.
Vừa qua, Đại diện Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm Dioxin tại Pháp đã trao tặng học bổng và tiền đỡ đầu với tổng giá trị 131 triệu đồng cho 26 trường hợp là nạn nhân gián tiếp nhiễm chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Món quà ý nghĩa này sẽ giúp các em có thêm nguồn lực để trang trải thêm trong cuộc sống, học tập. Đặc biệt, để chăm lo tốt hơn đời sống của các hội viên, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp huyện cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trong việc huy động nguồn lực chăm lo cả về vật chất và tinh thần cho các nạn nhân da cam trên địa bàn. Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Gia Viễn hiện có 732 hội viên. Trong đó, có 423 người nhiễm trực tiếp, 239 người là nạn nhân gián tiếp.
Ông Đặng Văn Huyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Gia Viễn cho biết: Những năm qua, huyện Hội luôn sâu sát, nắm vững tình hình hội viên về kinh tế, sức khỏe, bệnh tật; chú trọng tới các hộ có nhiều người nhiễm chất độc da cam, hộ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế, nhà ở, có người mắc bệnh hiểm nghèo… để báo cáo kịp thời với các cấp ủy chính quyền; kết nối với các tổ chức, cá nhân hảo tâm để kêu gọi sự quan tâm giúp đỡ.
Hội Nạn nhân da cam huyện cũng rất quan tâm tới việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo. Hội đã tiến hành khảo sát nhu cầu thực tế và đánh giá khả năng lao động của các hội viên, từ đó đưa ra hướng hỗ trợ cụ thể, phù hợp. Hội Nạn nhân da cam huyện Yên Khánh cũng đã làm tốt vai trò là “cầu nối” giữa những tấm lòng hảo tâm đến với những hoàn cảnh hội viên đặc biệt khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Hội đã tiếp nhận quà của Chủ tịch nước, của tỉnh, tỉnh Hội, các tổ chức, cá nhân để trao tặng cho 100% nạn nhân trong toàn huyện với tổng số tiền trên 482 triệu đồng.
Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cũng thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân da cam bằng nhiều hình thức như: khám, tư vấn sức khỏe và phát thuốc miễn phí, dạy nghề tạo việc làm cho những nạn nhân còn sức khỏe… Sự sẻ chia, yêu thương và nâng đỡ của toàn xã hội đã phần nào giúp người bị nhiễm chất độc da cam vơi bớt nỗi đau do chiến tranh gây ra.
Ông Phan Sỹ Lợi, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Yên Khánh cho biết: Bên cạnh sự sẻ chia về tinh thần, vật chất của toàn xã hội, các nạn nhân chất độc da cam cũng cần thêm những chính sách hỗ trợ phù hợp để vươn lên trong cuộc sống. Thực tế cho thấy, đối với thế hệ trực tiếp bị nhiễm chất độc hóa học đều có độ tuổi khá cao, sức khỏe yếu, nhiều người mắc bệnh nan y. Trong khi đó, họ vẫn phải chăm sóc con, cháu bị dị dạng, dị tật, không chủ động được trong sinh hoạt hàng ngày.
Vì vậy, mong các Trung tâm nuôi dưỡng tăng cường hơn nữa về cơ sở vật chất để có thể đón được nhiều hơn những thế hệ con, cháu, người nhiễm chất độc hóa học vào nuôi dưỡng, chăm sóc để giảm bớt khó khăn cho gia đình. Bên cạnh đó, đối với thế hệ thứ hai nhiễm chất độc da cam cũng có nhiều người lập gia đình, sinh con. Họ gánh trên vai trách nhiệm là trụ cột kinh tế của gia đình, trong khi đó sức khỏe kém, nghề nghiệp lại không có. Về lâu dài, chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho nạn nhân da cam có sức khỏe, được làm việc và thu nhập để chăm lo cho bản thân và gia đình…
Đào Hằng
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/xoa-diu-noi-dau-da-cam-bang-tinh-yeu-thuong-cua-cong-dong/d20240810085410327.htm