Là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, xã Xích Thổ (huyện Nho Quan) đã quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển, lựa chọn nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Mô hình trồng dưa lưới theo quy chuẩn sạch trong nhà màng của gia đình anh Nguyễn Văn Phong, thôn Minh Hồng, xã Xích Thổ đang là hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp của địa phương.
Anh Nguyễn Văn Phong cho biết: Với trăn trở làm giàu trên chính quê hương, sử dụng đất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, tôi đã chọn hướng phát triển nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay. Qua học tập kinh nghiệm từ mô hình trồng dưa lưới theo quy chuẩn sạch trong nhà màng của người bạn ở thành phố Tam Điệp, tôi đã xây dựng mô hình tại gia đình từ tháng 2/2023 trên diện tích 3 sào đất nông nghiệp vốn trước đây trồng ngô, khoai, sắn…
Mô hình của gia đình tôi trồng 2.700 gốc dưa lưới trong nhà màng, sử dụng phân bón hữu cơ và hệ thống tưới tự động đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, độ ẩm giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt. Ban đầu, tôi đầu tư cho mô hình khoảng 700 triệu đồng. Theo tính toán, mỗi vụ thu khoảng 4 tấn dưa, với giá bán từ 30-35 nghìn đồng/kg, thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng, trừ chi phí mỗi vụ lãi khoảng 60-70 triệu đồng. Mỗi năm mô hình sẽ cho thu hoạch 3 vụ, trừ chi phí lãi khoảng 200 triệu đồng.
Mô hình kinh tế tổng hợp của anh Nguyễn Văn Bình, thôn Hồng Quang, xã Xích Thổ cũng là hướng phát triển kinh tế có thể nhân rộng tại địa phương bởi mô hình này phát triển dựa trên lợi thế vùng đất đồi của xã.
Anh Nguyễn Văn Bình cho biết: Qua tìm hiểu ở nhiều địa phương trong tỉnh và một số tỉnh khác có điều kiện tự nhiên tương tự như ở Xích Thổ, tôi nhận thấy đất đồi phù hợp với trồng cây ăn quả. Cùng với sự giúp đỡ của địa phương, định hướng của Phòng Nông nghiệp huyện, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, năm 2017, tôi đã chọn xây dựng mô hình kinh tế vườn đồi trồng cây ăn quả gồm: ổi, nhãn, bưởi, sim kết hợp chăn nuôi gà đen trên diện tích 31 nghìn m2.
Anh Bình đã tìm hiểu, học tập và tự rút ra kinh nghiệm về chăm sóc các loại cây theo từng đặc tính, quá trình sinh trưởng của loại cây đó, từ đó có cách tổ chức sản xuất, chăm sóc, thu hoạch phù hợp, mang lại hiệu quả tốt nhất.
Hiện nay, mô hình của gia đình anh Bình có 700 cây ổi, 700 cây bưởi, 100 cây sim, hơn 100 con gà đen… Vì mới đầu tư nên mô hình mới cho thu hoạch ½ diện tích cây trồng, trừ chi phí cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Thời gian tới, anh Bình dự kiến xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch, hướng tới đối tượng là học sinh, giúp các em được trải nghiệm, hiểu thêm về nghề nông nghiệp. Hiện nay, mô hình kinh tế của gia đình anh Bình cũng đã được một số hộ dân trên địa bàn xã Xích Thổ học tập, làm theo.
Đồng chí Phạm Văn Hưng, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng khối dân vận xã Xích Thổ cho biết: Đảng ủy xã Xích Thổ đã ban hành các nghị quyết, tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế hiệu quả. Hiện trên địa bàn xã có nhiều mô hình cho hiệu quả cao như mô hình trồng cây ăn quả, mô hình nhà lưới, mô hình kinh tế tổng hợp, mô hình chăn nuôi…
Xã cũng thường xuyên quan tâm, động viên, phân công các tổ chức, đoàn thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ phát triển kinh tế. Phối hợp với các phòng, ban, ngành của huyện để hỗ trợ giống, vốn, tạo điều kiện để các hộ đầu tư sản xuất. Đặc biệt, các hộ còn được vay vốn từ nguồn quỹ “Hỗ trợ nông dân”, mỗi hộ vay 50 triệu đồng để mua giống, vốn và công cụ sản xuất.
Hiện nay, trên địa bàn xã Xích Thổ có trên 20 mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo và xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Bài, ảnh: Tiến Minh